Quà tặng
        cuộc sống

Wednesday, June 14, 2006

Cây sồi của tình yêu

Không biết đây là lần thứ mấy chục, tôi và David giận nhau. Cũng như mọi lần khác, cũng chỉ vì những chuyện lặt vặt mà thôi. Nhưng dịp này tôi muốn xa anh một thời gian để tĩnh tâm suy nghĩ về tình yêu của chúng tôi.

Tôi rất yêu David và không muốn mất anh, nhưng không hiểu tại sao tôi cứ muốn anh phải theo ý tôi. Hễ chúng tôi tranh cãi, tôi muốn mình luôn phải là người thắng. Nếu quả anh yêu tôi, anh phải chiều tôi chứ.

Tôi lái xe về trang trại của bà ngoại. Tuy ngoại đã bảy chục tuổi nhưng bà còn khỏe lắm. Chiều nào bà cũng dắt tôi đi dạo trên những cánh đồng cỏ. Không khí mát mẻ, trong lành, thảm cỏ xanh đầy hoa của mùa hè và tiếng vo ve của những bầy ong khiến lòng tôi dịu lại. Trong lúc đi dạo, thế nào chúng tôi cũng nghỉ chân một lát dưới gốc cây sồi to nằm trên ranh giới với trang trại bên cạnh. Giữa tiếng gió rì rào, bà ngoại tôi ngẩng đầu săm soi tán lá um tùm như muốn tìm kiếm một cái gì đó. Mấy ngày đầu, tôi không chú ý lắm tới cử chỉ này của bà. Nhưng một hôm, tôi nhìn theo ánh mắt của bà và phát hiện có cái gì đó như là những chữ cái được khắc trên vỏ cây, ở tít trên cao. Tôi quay lại nhìn bà. Như để trả lời câu hỏi thầm lặng của tôi, bà ngoại kể:

Thủa còn trẻ, bà ngoại và cậu trai duy nhất của ông chủ trang trại bên cạnh yêu nhau say đắm. Cây sồi là chốn hẹn hò lý tưởng cho đôi trẻ. Lúc ấy nó mới chỉ cao bằng hai người lớn. Bám vào thân cây như con ếch, Michael, tên cậu trai, hì hụi dùng dao nhọn khắc lên đó dòng chữ to tướng "A + M = Tình yêu". A là chữ viết tắt của Andy, tên bà ngoại tôi. Trớ trêu thay, một ngày kia, cây sồi trở thành chứng nhân cho một cuộc tranh chấp khoảnh cỏ nuôi cừu giữa hai trang trại giáp nhau, nơi có cây sồi mọc. Súc vật của hai gia đình không còn được thả ăn cỏ quanh cây sồi.

Dù bị cấm đoán, Michael và Andy vẫn bí mật gặp nhau dưới gốc sồi vào buổi tối. Ban đầu họ cố tránh đề cập tới cuộc cãi vả giữa hai nhà, nhưng cuối cùng bóng mây xám của cuộc tranh chấp bắt đầu che phủ lên tình yêu giữa Michael và bà ngoại tôi. Theo Michael, cứ mặc kệ người lớn tranh chấp. "Sau này chúng mình lấy nhau, cây sồi là của anh và em kia mà!", Michael bảo. Nhưng bà ngoại tôi muốn rằng, mọi việc phải rõ ràng là khoảnh cỏ ấy của nhà nào. Anh chàng Michael nọ bối rối im lặng khi bà ngoại tôi tuyên bố, nếu không được như ý sẽ cắt đứt quan hệ với cậu ta. Tội nghiệp Michael, trong suốt một thời gian dài, chiều nào cậu cũng ra chỗ cây sồi chờ đợi. Biết chuyện, ông cố tôi gởi bà ngoại tôi tới nhà một bà dì ở Ohio.

Năm tháng trôi qua, cây sồi đã lớn. Khoảnh cỏ tranh chấp thì vẫn bỏ đó, vì sau khi ông cố tôi mất, bà ngoại đã trở thành cư dân New York. Rồi bà lấy chồng. Cuộc hôn nhân sớm tan vỡ sau vài năm chung sống, để lại cho bà một cô con gái là mẹ tôi. Trang trại của gia đình bị bỏ hoang suốt mấy chục năm. Ngày bà ngoại tôi trở về quê, cũng là ngày ông Michael trút hơi thở cuối cùng. Trước mặt bà ngoại tôi, ông thều thào trăn trối lại rằng, chỉ xin được chôn cạnh gốc sồi có khắc tên ông và bà ngoại tôi: "Tôi muốn gốc sồi đó mãi mãi là của tôi và bà".

Hẳn David rất ngạc nhiên khi nhận được bức điện của tôi được đánh đi vào sáng hôm sau: "Chúng mình hòa nhé". Lần đầu tiên trong đời, tôi nói tới chữ "hòa". Con người ta không nhất thiết phải cố thắng cho bằng được, bằng mọi giá, ở mọi nơi, trong mọi trường hợp.

0 Comments:

Post a Comment

«Home