Quà tặng
        cuộc sống

Saturday, April 22, 2006

Nhỏ nhất, lớn nhất

Một miếng kính nhỏ đã làm cho bức tranh khổng lồ sống động hơn. Mỗi con người cũng luôn dành phần thánh thiện trong mình để tạo nên một cuộc sống tươi đẹp.

Tương truyền vào thế kỷ 14, một nghệ nhân tranh kính nổi tiếng của Italy được mời sang Pháp làm một bức tranh lớn trên một trong những cửa sổ của tòa giáo đường Chartres (Pháp). Tòa giáo đường này vốn nổi tiếng với những bức tranh kính được thực hiện vào thế kỷ 12-13, thời hoàng kim của bộ môn nghệ thuật trang trí này tại châu Âu.

Bức tranh được làm tại Florence và chở sang Pháp. Trước khi ráp tranh lên cửa sổ, nghệ nhân người Italy nọ xếp toàn bộ bức tranh xuống sàn. Một bức tranh tuyệt đẹp! Chúng gồm những mảnh kính nhiều màu sắc. Có mảnh to bằng nửa cái bàn, có mảnh chỉ nhỏ bằng một đầu ngón tay. Ghép lại với nhau chúng tạo nên một bức vẽ sống động. Cho tới nay, bí quyết tạo mầu cho những mảnh kính đó vẫn còn là một bí ẩn.

Những mảnh kính lần lượt được vị nghệ nhân người Italy lắp lên khung. Công việc tỉ mẩn kéo dài nhiều ngày và vào một ngày nọ có vẻ như bức tranh đã hoàn thành. Biết tin về bức tranh thánh mới được lắp trong nhà thờ, dân thành phố kéo nhau tới xem. Tuy nhiên, bức tranh vẫn giấu mặt sau tấm vải lớn trùm phía ngoài.

Nhưng rồi giây phút mong đợi cũng đã tới. Tấm vải được kéo xuống để lộ bức tranh trước con mắt háo hức của hàng nghìn người. Cả quảng trường trước nhà thờ im lặng. Người ta sửng sốt. Lạ thay, không một lời khen cất lên. Ai nấy đều cảm thấy hụt hẫng. Trên bức tranh thiếu vắng một thứ gì đó rất quan trọng! Nhưng không ai biết là thiếu thứ gì. Bỗng tiếng một đứa trẻ vang lên giữa đám đông: "Mắt...".

Giữa tiếng xì xầm tán đồng của đám đông, nghệ nhân người Italy vươn mình trên thang gắn nốt hai mẩu kính cuối cùng của bức tranh. Những mẩu kính nhỏ nhất. Những tiếng khen ngợi nức nở lan khắp quảng trường. Đôi mắt của nhân vật chính trên bức tranh giờ đã biết nói, chỉ nhờ ánh sáng mặt trời phản chiếu vào miếng kính nhỏ nhất. Đôi mắt ấy giờ lóe lên những tia yêu thương, hy sinh khiến hàng ngàn con người cảm phục.

0 Comments:

Post a Comment

«Home