Tài hùng biện của im lặng
Tôi rất muốn chơi đùa với cha. Nếu không được thế thì một chút quan tâm của ông thôi cũng đủ. Thế nhưng điều đó thật khó, bởi ông rất hiếm khi ở nhà. Vào những ngày cuối tuần, ông lại hay cau có và rất dễ nổi cáu. Và vì thế, anh em chúng tôi đã học cách để cha một mình.
Một cô bé 12 tuổi như tôi có quyền được đòi hỏi những cử chỉ yêu thương từ người cha chứ !
Một hôm, tôi quyết định bắt chuyện với cha. Tôi nghĩ ra một cách mà tôi cho là đơn giản và dễ "tiếp cận" ông nhất, ấy là để một lời nhắn bên cạnh tờ báo của ông. May mắn thay, cũng thời gian đó, tôi nhận được giấy khen cho kết quả học tập xuất sắc từ trường học của mình. Tôi biết cha sẽ rất tự hào về kết quả học tập này của tôi.
Thế là ngay tối hôm đó, với một vẻ háo hức, tôi đã đặt bên cạnh tờ báo của ông tấm giấy khen của mình cùng với lời nhắn: "Bố thân yêu, con nghĩ bố muốn xem cái này".
Cha tôi qua đời đã 15 năm. Nhưng tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác tự hào và vui sướng khi đọc mảnh giấy ghi câu trả lời của cha: "Giỏi lắm". Sau này, khi có điều gì cần nói với cha, tôi lại để cho ông một lời nhắn, và nhận câu trả lời vào sáng hôm sau. Cha không bao giờ làm tôi thất vọng mặc dầu ông hiếm khi viết nhiều hơn vài từ. Và như thế cũng đủ. Tôi biết ông đã và sẽ vẫn quan tâm đến tôi.
Cha tôi đã giúp tôi hiểu ra một điều, rằng đôi khi, có những cảm xúc mãnh liệt đến nỗi ta không thể thốt ra bằng lời; rằng có một sự tương quan nhỏ giữa lời nói và cảm xúc. Khi tâm hồn hay cảm xúc không hiện hữu, phải chăng đó là lúc nhẹ nhàng hơn cho ta khi muốn tìm lời thích hợp.
Cha tôi, một người ít nói, đã dạy tôi về tài hùng biện của im lặng.