Quà tặng
        cuộc sống

Sunday, October 22, 2006

Tấm thiệp Lễ tình nhân

Tỉnh giấc nửa đêm vì tiếng chuông điện thoại, tôi không khỏi khó chịu bởi sự quấy rầy của ai đó. Hóa ra người ấy là bố tôi, ông cụ sống tại trại dưỡng lão ở phía nam Georgia. Giọng ông nài nỉ khẩn trương: “Con phải giúp bố việc này, ngày mai xuống Miami... làm như thế... như thế...”. Ông dặn đi dặn lại: “Việc gấp lắm, không được chậm trễ... nhớ câu cú thật tình tứ, nét chữ khỏe, thẳng và hơi tròn”.

Sáng sớm, gọi điện đến công ty xin nghỉ rồi vội vã lái xe vượt hơn trăm dặm để thực thi cái việc mà bản thân tôi chỉ hiểu mù mờ. Nhưng tôi tin ở bố, mọi điều ông làm đều trong sáng và thiết thực.

Một tháng sau lên trại thăm bố, tôi mới được nghe kể tường tận câu chuyện...

Ở trại có cụ bà Maria nhiều năm không có người thân thích nào thăm viếng. Gần đây cụ lú lẫn và yếu lắm, ngày về nước Chúa đã kề... Chẳng biết ký ức thuở xưa nào trở lại trong trí óc khi tỉnh khi mê mà cụ hay lôi ra một tập ố vàng vừa thư vừa thiệp khoe khắp mọi người: “Của Paul gửi đấy, anh ấy tình cảm và chu đáo lắm...”. Cụ lại hỏi ngày tháng rồi lẩm bẩm một mình: “Sắp đến lễ Valentine rồi sao chưa thấy gì nhỉ, thường thì mình vẫn nhận được thiệp trước lễ hai ba ngày...”.

Sáng 14-2. Sau bữa điểm tâm, các cụ đông đủ tại phòng sinh hoạt. Một nhân viên bưu điện xuất hiện với bó hoa đỏ thắm: “Ai là cụ Maria? Xin nhận hoa và thiệp”. Bà cụ hồ hởi hẳn lên, cố rướn người trên xe lăn ôm bó hoa vào lòng, rồi run run cầm tấm thiệp lật qua lật lại. Gắng chút hơi tàn cụ thều thào trong miệng: “Đúng dấu bưu cục Miami... Tôi đã bảo mà, anh Paul chẳng quên đâu...”

Cụ nhờ cô điều dưỡng đọc lớn nội dung cánh thiệp như thể muốn mọi người cùng chia sẻ: “Maria của anh! Nhân lễ Thánh Valentine, anh gửi tới em niềm yêu thương vô bờ. Trong lòng anh, em mãi mãi là người tình thủy chung, xinh đẹp...”. Nhiều cụ ông cụ bà lau vội giọt nước mắt hiếm hoi...

Tối hôm ấy cụ Maria trút hơi thở cuối cùng. Những người kề cận lúc cụ lâm chung nói rằng cụ ra đi thanh thản, trên khuôn mặt nhăn nheo còn vương vất một nụ cười mãn nguyện... và vẫn ôm ghì bó hoa tươi. Người ta tìm thấy trong mớ giấy tờ của cụ mảnh báo cũ từ 50 năm trước, viết về một con tàu đánh cá mất tích ngoài khơi Florida giữa cơn dông bão. Trong số sáu người vĩnh viễn không trở về có một chàng trai tên Paul Fisher...

Thanh âm diệu kỳ

Đó là câu chuyện của Jimmy Durante, một diễn viên hài được mời tham dự buổi trình diễn hài phục vụ cho các cụư chiến binh trong thế chiến thứ hai. Ông báo với ban tổ chức rằng lịch diễn rất khít nên chỉ có thể tham diễn trong vài phút. Nhưng nếu họ cho phép ông sẽ độc diễn rồi đi ngay.

Dĩ nhiên là ban tổ chức đồng ý. Nhưng khi Jimmy lên sân khấu, điều thú vị đã xảy ra. Độc diễn xong ông vẫn đứng lại . Tiếng hoan hô càng lúc càng lớn hơn và ông cứ đứng đấy trên sân khấu. 15, 20 phút rồi cả nửa tiếng. Cuối cùng ông cũng cúi đầu chào lần cuối rồi rời sân khấu.

Tại hậu trường, một người hỏi ông: "Tôi ngỡ ông sẽ đi sau vài phút, chuyện gì xảy ra thế?". Jimmy trả lời: "Đúng là tôi sẽ đi nhưng tôi sẽ chỉ cho anh thấy tại sao tôi lại ở lại. Hãy nhìn vào hàng ghế trước".

Đó là hai người đàn ông bị cụt mất một cánh tay. Một người mất cánh tay phải, một người mất cánh tay trái. Cùng với nhau họ có thể vỗ tay một cách nhiệt tình.

Tuesday, October 10, 2006

Có cánh chuồn nào trên vai em không?

Thành phố nhỏ yên tĩnh và xinh đẹp, hai người yêu đắm say, mỗi bình minh đều đến bờ biển ngắm mặt trời mọc, và mỗi chiều đi tiễn bóng tà dương ở bãi cát. Dường như những ai đã gặp đôi tình nhân đều nhìn theo với ánh mắt ngưỡng mộ.

Một ngày, sau vụ đâm xe, cô gái trọng thương im lìm nằm lại trên chiếc giường bệnh viện, mấy ngày đêm không tỉnh lại.

Buổi sáng, chàng trai ngồi bên giường tuyệt vọng gọi tên người yêu đang vô tri vô giác; đêm xuống, chàng trai tới quỳ trong giáo đường nhỏ của thành phố, ngước lên thượng đế cầu xin, mắt không còn lệ để khóc than.

Một tháng trôi qua, người con gái vẫn im lìm, người con trai đã tan nát trái tim từ lâu, nhưng anh vẫn cố gắng và cầu xin hy vọng. Cũng có một ngày, thượng đế động lòng.

Thượng đế cho chàng trai đang gắng gượng một cơ hội. Ngài hỏi: "Con có bằng lòng dùng sinh mệnh của con để đánh đổi không?". Chàng trai không chần chừ vội đáp: "Con bằng lòng!".

Thượng đế nói: "Ta có thể cho người con yêu tỉnh dậy, nhưng con phải đánh đổi ba năm hoá chuồn chuồn, con bằng lòng không?". Không chần chừ chàng trai vội đáp: "Con bằng lòng!".

Buổi sáng, cánh chuồn rời Thượng đế bay vội vã tới bệnh viện, như mọi buổi sáng. Và cô gái đã tỉnh dậy!

Chuồn chuồn không phải người, chuồn chuồn không nghe thấy người yêu đang nói gì với vị bác sĩ đứng bên giường.

Khi người con gái rời bệnh viện, cô rất buồn bã. Cô gái đi khắp nơi hỏi về người cô yêu, không ai biết anh ấy đã bỏ đi đâu.

Cô ấy đi tìm rất lâu, khi cánh chuồn kia không bao giờ rời cô, luôn bay lượn bên người yêu, chỉ có điều chuồn chuồn không phải là người, chuồn chuồn không biết nói. Và cánh chuồn là người yêu ở trước mắt người yêu nhưng không được nhận ra.

Mùa hạ đã trôi qua, mùa thu, gió lạnh thổi những chiếc lá cây lìa cành, cánh chuồn không thể không ra đi. Vì thế cánh rơi cuối cùng của chuồn chuồn là trên vai người con gái.

"Tôi muốn dùng đôi cánh mỏng manh vuốt ve khuôn mặt em, muốn dùng môi khô hôn lên trán em…", nhưng thân xác quá nhẹ mỏng của chuồn chuồn cuối cùng vẫn không bị người con gái nhận ra.

Chớp mắt, mùa xuân đã tới, cánh chuồn cuống cuồng bay trở lại thành phố tìm người yêu. Nhưng dáng dấp thân quen của cô đã tựa vào bên một người con trai mạnh mẽ khôi ngô, cánh chuồn đau đớn rơi xuống, rất nhanh từ lưng chừng trời.

Ai cũng biết sau tai nạn người con gái bệnh nghiêm trọng thế nào, chàng bác sĩ tốt và đáng yêu ra sao, tình yêu của họ đến tự nhiên như thế nào, và ai cũng biết người con gái đã vui trở lại như những ngày xưa.

Cánh chuồn chuồn đau tới thấu tâm can, những ngày sau, chuồn chuồn vẫn nhìn thấy chàng bác sĩ kia dắt người con gái mình yêu ra bể xem mặt trời lên, chiều xuống đến bờ biển xem tà dương, và cánh chuồn chỉ có thể thỉnh thoảng tới đậu trên vai người yêu, chuồn chuồn không thể làm gì hơn.

Những thủ thỉ đắm say, những tiếng cười hạnh phúc của người con gái làm chuồn chuồn ngạt thở.

Mùa hạ thứ ba, chuồn chuồn đã không còn thường đến thăm người con gái chàng yêu nữa. Vì trên vai cô ấy luôn là tay chàng bác sĩ ôm chặt, trên gương mặt cô là cái hôn tha thiết của anh ta, người con gái không có thời gian để tâm đến một cánh chuồn đau thương, cũng không còn thời gian để ngoái về quá khứ.

Ba năm của Thượng đế sắp chấm dứt. Trong ngày cuối, người yêu ngày xưa của chuồn chuồn bước đến trong lễ thành hôn với chàng bác sĩ.

Cánh chuồn chuồn lặng lẽ bay vào trong nhà thờ, đậu lên vai người mà anh yêu, chàng biết người con gái anh yêu đang quỳ trước Thượng đế và nói: "Con bằng lòng!". Chàng thấy người bác sĩ lồng chiếc nhẫn vào tay người con gái. Họ hôn nhau say đắm ngọt ngào. Chuồn chuồn để rơi xuống đất một hạt lệ đau đớn.

Thượng đế hỏi: "Con đã hối hận rồi sao?". Chuồn chuồn gạt hạt lệ nói: "Con không!"

Thượng đế hài lòng nói: "Nếu vậy, từ ngày mai con có thể trở thành người được rồi!".

Chuồn chuồn soi vào hạt nước mắt nhỏ, chàng lắc đầu đáp: "Hãy để con cứ làm chuồn chuồn suốt đời..."

Yêu một người không phải là nhất định phải có được họ. Nhưng đã có được một người thì hãy cố yêu lấy họ. Có cánh chuồn nào trên vai bạn không? Và nếu bạn nhận được bài dịch này, chứng tỏ đang có một người nào đó yêu bạn, hoặc bởi vì bạn đang yêu quý một ai đó ở bên.

Món quá diệu kỳ

Một đồng tám mươi bảy xu, đúng như vậy. Hàng ngày, cô cố gắng tiêu thật ít tiền khi đi chợ. Cô đi loanh quanh tìm mua thứ thịt và rau rẻ nhất cho bữa ăn hàng ngày, ngay cả lúc cảm thấy hết sức mệt mỏi cô vẫn cố tìm kiếm. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

Della đếm lại số tiền ít ỏi một lần nữa. Không hề có sự nhằm lẫn, chỉ có một đồng tám mươi bảy xu ,và ngày mai sẽ là lễ giáng sinh. Cô sẽ không thể làm gì hơn, chỉ còn cách ngồi xuống và khóc mà thôi. Ở đó, trong một căm phòng nhỏ tồi tàn, cô đang nức nở. Della sống trong căn phòng nhỏ nghèo nàn này với chồng của cô, James Dillingham Young, ở thành phố New York.

Họ có một phòng ngủ, một phòng tắm và một nhà bếp. James Dillingham Young may mắn hơn cô vì anh ấy có việc làm. Tuy vậy đó không phải là một công việc kiếm được nhiều tiền. Tiền thuê căn phòng này chiếm gần hết lương của anh ấy. Della đã cố gắng rất nhiều để tìm một công việc nhưng vận may đã không mỉm cười với cô.Tuy nhiên,cô rất hạnh phúc khi ôm 'Jim', James Dillingham Young, trong tay mỗi khi anh trở về.

Della đã ngừng khóc. Cô lau khô mặt rồi đứng nhìn một chú mèo xám trên bức tường đồng màu với nó bên cạnh con đường tối ngoài cửa sổ. Ngày mai là Noel và cô chỉ còn một đồng tám mươi bảy xu để mua cho Jim, Jim của cô, một món quà. Cô muốn mua một món quà thật sự có ý nghĩa , một thứ có thể biểu hiện được tất cả tình yêu cô dành cho anh. Della chợt xoay người chạy đến bên chiếc gương treo trên tuờng. Mắt cô sáng lên.

Cho đến bây giờ, gia đình James Dillingham Young chỉ có hai vật quí giá nhất. Một thứ là chiếc đồng hồ vàng của Jim. Chiếc đồng hồ này trước đây thuộc sở hữu của cha anh ta và trước nữa là ông nội anh ta.Thứ còn lại là mái tóc của Della.

Della thả nhanh mái tóc dài óng mượt xuống lưng.Thật tuyệt đẹp, không khác nào như một chiếc áo khoác đang choàng qua người cô .Della cuộn tóc lên lại. Cô đứng lặng đi rồi thút thít một lát . Della bước chậm rãi qua các cửa hàng dọc hai bên đường rồi dừng lại trước bảng hiệu "Madame Eloise".Tiếp cô là một phụ nữ mập mạp, bà ta chẳng có một chút vẻ "Eloise" nào cả. Della cất tiếng hỏi: 'Bà mua tóc tôi không?'

'Tôi chuyên mua tóc mà', bà ta đáp và bảo :' Hãy bỏ nón ra cho tôi xem tóc của cô đi'.

Suối tóc nâu đẹp tuyệt vời buông xuống.

'Hai mươi đồng' bà ta định giá, bàn tay nâng niu mái tóc óng ả.

'Hãy cắt nhanh đi! Và đưa tiền cho tôi' Della nói.

Hai giờ tiếp theo trôi qua nhanh chóng. Cô tìm mua quà cho Jim trong các cửa hiệu trong niềm vui khôn tả. Cuối cùng cô cũng chọn được một thứ . Ðó là môt sợi dây đồng hồ bằng vàng. Jim rất quí chiếc đồng hồ của mình nhưng rất tiếc là nó không có dây . Khi Della trông thấy sợi dây này cô biết rằng nó phải là của anh và cô phải mua nó.

Cô trả hai mươi mốt đồng để mua và vội vã trở về nhà với tám mươi bảy xu còn lại.

Ðến nhà, Della ngắm mái tóc cực ngắn của mình trong gương và nghĩ thầm :'Mình có thể làm gì với nó đây?'. Nửa giờ tiếp theo cô nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ. Xong Della lại ngắm nghía mình trong gương lần nữa.Tóc của cô bây giờ tòan những sợi quăn quăn khắp đầu. 'Chúa ơi, mình trông như một con bé nữ sinh ấy!'.Cô tự nhủ: ' Jim sẽ nói gì khi thấy mình như thế này?'

Bảy giờ tối, bữa ăn đuợc chuẩn bị gần xong. Della hồi hộp chờ đợi, hy vọng rằng mình vẫn còn xinh đẹp trong mắt Jim.

Thế rồi cửa mở, Jim bước vào. Anh ấy trông rất gầy và cần có một cái áo khoác mới. Jim nhìn chằm chằm vào Della. Cô không thể hiểu được anh đang nghĩ gì, cô sợ. Anh ta không giận dữ, cũng chẳng ngạc nhiên. Anh đứng đó, nhìn cô với ánh mắt kỳ lạ. Della chạy đến bên Jim òa khóc: 'Ðừng nhìn em như thế , anh yêu. Em bán tóc chỉ để mua cho anh một món quà.Tóc sẽ dài ra mà. Em phải bán nó thôi, Jim à. Hãy nói "Giáng sinh vui vẻ", em có một món quà rất hay cho anh này!'

'Em đã cắt mất tóc rồi à?' Jim hỏi.

'Ðúng thế ,em đã cắt và bán rồi,vì vậy mà anh không còn yêu em nữa ư? Em vẫn là em mà!' Della nói.

Jim nhìn quanh rồi hỏi lại như một kẻ ngớ ngẩn: 'Em nói là em đã bán tóc à?'

'Ðúng, em đã nói vậy, vì em yêu anh! Chúng ta có thể ăn tối được chưa, Jim?'

Chợt Jim vòng tay ôm lấy Della và rút từ túi áo ra một vật gì đấy đặt lên bàn. Anh nói: 'Anh yêu em, Della, dù cho tóc em ngắn hay dài. Hãy mở cái này ra em, sẽ hiểu tại sao khi nãy anh sững sờ đến vậy.'

Della xé bỏ lớp giấy bọc ngoài và kêu lên sung suớng, liền sau đó những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống.Trong đó là một bộ kẹp tóc, những chiếc kẹp dành cho mái tóc óng ả của Della. Cô đã mơ ước có đuợc nó khi trông thấy lần đầu tiên qua cửa kính một gian hàng. Những cái kẹp rất đẹp và rất đắt tiền. Bây giờ chúng đã thuộc về cô nhưng tóc cô thì không còn đủ dài để kẹp nữa!

Della nâng niu món quà, mắt tràn đầy hạnh phúc. 'Tóc em sẽ chóng dài ra thôi Jim', nói xong cô chợt nhớ đến dây đồng hồ vàng định tặng cho Jim và chạy đi lấy .

'Ðẹp không anh? Em đã tìm kiếm khắp nơi đấy, giờ thì anh sẽ phải thích thú nhìn ngắm nó hàng trăm lần mỗi ngày thôi.Nhanh lên, đưa nó cho em, Jim, hãy nhìn nó với sợi dây mới này'

Nhưng Jim không làm theo lời Della. Anh ngồi xuống vòng tay ra sau đầu mỉm cuời nói: 'Della, hãy cất những món quà này đi. Chúng thật đáng yêu. Em biết không, anh đã bán chiếc đồng hồ để mua kẹp cho em. Giờ thì chúng ta có thể bắt đầu bữa tối được rồi em yêu'.

Monday, October 02, 2006

Sự ra đời của một người mẹ

Tôi thường nghe nói, và giờ đây tôi biết đó là sự thật, rằng khi một phụ nữ sinh đứa con đầu tiên là có hai sự ra đời. Trước hết là sự ra đời của đứa trẻ, thứ đến là sự ra đời của bà mẹ...

Đứa con đầu lòng của tôi, một cháu gái, ra đời ngày 27-7-2002. Tôi cứ tưởng rằng mình đã chuẩn bị sẵn sàng để sinh cháu. Tôi đọc sách và các bài báo viết về việc sinh con và chăm sóc trẻ. Phòng dành riêng cho cháu đã được chuẩn bị sẵn sàng. Tôi cũng đã chuẩn bị đèn ngủ, tã lót, núm vú cao su, thau chậu và mọi thứ cần thiết khác. Cảm giác của tôi lúc đó là không còn có thể chuẩn bị gì thêm.

Điều mà tôi chưa hề chuẩn bị là cái cách mà toàn thể thế giới này thay đổi ngay từ giây phút cháu bé được sinh ra. Tình yêu tuyệt đối mà tôi dành cho cháu bé có thể làm tôi rơi lệ. Tôi đâu ngờ rằng tôi không thể hát hết câu hát ru đầu tiên vì không cầm được nước mắt.

Tôi chẳng có khái niệm gì là mình sẽ cảm thấy thế nào khi cô y tá trao cháu bé cho tôi rồi bảo: “Cháu đang tìm chị đây này!”, và hình ảnh đôi mắt xanh sâu thẳm của cháu nhìn tôi sẽ in đậm dấu ấn trong lòng tôi mãi.

Tôi hoàn toàn không biết rằng vì một ai đó mà mình có thể dễ dàng tổn thương đến thế. Lần đầu tiên mang cháu đi siêu thị làm cho tôi có cảm giác như gấu mẹ bảo vệ gấu con. Ra khỏi cửa mà không mang cháu bé theo cũng làm tôi lo lắng đến thót tim.

Tôi cũng không biết rằng sự xuất hiện của cháu bé đã thay đổi hẳn cách nhìn của tôi và chồng tôi đối với nhau. Hạ sinh một đứa trẻ và quá trình cho bú mớm cho tôi thấy rõ giá trị bản thân mình. Ai đó sao không cho tôi biết rằng tôi chẳng còn có thể xem bản tin buổi tối vì tất cả những tin tức về trẻ em bị ngược đãi đều làm tôi mường tượng đến khuôn mặt của con gái tôi.

Tại sao chẳng ai nói cho tôi biết về những chuyện như thế? Tôi thật sự bị choáng ngợp. Tôi chưa lần nào xa cháu bé mà lại không luôn nghĩ về nó, hay mỗi lần thấy một vết đỏ trên da nó mà lại không làm tôi lo lắng. Liệu tôi có thể trở thành một người mẹ thật sự như tôi mong muốn cho con gái tôi?

Tôi thường nghe nói, và giờ đây tôi biết đó là sự thật, rằng khi một phụ nữ sinh đứa con đầu tiên là có hai sự ra đời. Trước hết là sự ra đời của đứa trẻ, thứ đến là sự ra đời của bà mẹ. Có lẽ sự ra đời này là sự ra đời không thể chuẩn bị được.

Cháu có thể làm được mọi thứ

Nhiều năm về trước căn bệnh tim của cha tôi đã đến giai đoạn cuối. Cha tôi không được phép làm việc thường xuyên, thỉnh thoảng cũng khỏe nhưng ông có thể trở bệnh bất cứ lúc nào và phải lập tức nhập viện.

Cha tôi muốn có một công việc gì đó để khuây khỏa nên ông tình nguyện vào làm cho một bệnh viện trẻ em của địa phương. Cha tôi rất yêu trẻ con và đây đúng là một công việc tuyệt vời cho ông. Ông chọn việc chăm sóc những đứa trẻ bị bệnh vào giai đoạn cuối, trò chuyện và chơi đùa với chúng.

Trong số những trẻ mà cha tôi chăm sóc có một bé gái mắc một chứng bệnh rất hiếm, bị liệt từ cổ trở xuống. Tôi biết cô bé ắt hẳn phải rất buồn và thất vọng vì em không thể làm gì được cả!

Cha tôi quyết định giúp đỡ cô bé. Ông vào phòng cô bé, đem theo màu, cọ và giấy. Ông để giấy lên giá đỡ, ngậm cọ trong miệng và bắt đầu vẽ. Ông không hề dùng đến tay mình và chỉ cử động đầu. Cha tôi đến thăm cô bé bất cứ khi nào có thể và vẽ cho cô bé xem. Lúc nào ông cũng nói: “Cháu thấy chưa, cháu có thể làm bất cứ việc gì mà cái đầu cháu muốn!”. Dần dần cô bé bắt đầu dùng miệng để vẽ. Hai bác cháu càng ngày càng quấn quít với nhau.

Ít lâu sau, cô bé xuất viện vì các bác sĩ không thể giúp cô bé được gì nữa. Cha tôi cũng rời bệnh viện vì bệnh của ông tái phát. Một thời gian sau cha tôi hồi phục và trở lại công việc ở bệnh viện. Một ngày nọ ông chợt thấy cửa phòng bật mở, và bước vào chính là cô bé ấy. Giờ đây cô bé đã đi được! Em chạy ào tới ôm chặt lấy cha tôi. Cô bé đưa cho cha tôi một bức tranh em tự vẽ bằng tay, ở dưới đề dòng chữ “Cảm ơn bác vì đã giúp cháu đi được!”.

Lần nào cha tôi cũng khóc khi kể lại câu chuyện đó. Cha nói tình yêu thương đôi khi còn mạnh hơn cả y học. Cha tôi mất vài tháng sau khi được cô bé tặng tranh.