Quà tặng
        cuộc sống

Thursday, June 22, 2006

Bài học từ Socrates

Ngày ấy có một cậu học trò hăm hở muốn có được trí tuệ và sự sáng suốt. Cậu ta tìm đến Socrates, người thông thái nhất thành Athen để xin chỉ dẫn.

Ngưỡng mộ Socrates là một người già dặn và uyên bác, cậu học trò cũng muốn biết làm cách nào ông đạt được sự tinh thông như thế.

Vốn ít lời, Socrates quyết định không nói mà dùng hành động để minh họa. Ông đưa cậu học trò đến bãi biển rồi đi thẳng xuống nước với bộ áo quần còn nguyên trên người. Socrates vẫn thích làm những chuyện kỳ quặc như vậy, nhất là những khi ông muốn làm sáng tỏ một điều gì đó. Cậu học trò thận trọng bước theo Socrates đến khi nước biển lên đến cằm hai người.

Đột nhiên Socrates đến nắm lấy hai vai cậu bé, nhìn thật sâu vào mắt cậu rồi dùng hết sức nhấn đầu cậu bé xuống nước. Cậu bé vùng vẫy dữ dội và khi chỉ còn một khắc nữa thôi tính mạng cậu bé sẽ nguy kịch, Socrates mới chịu buông tay.

Sau khi cố hết sức ngoi nhanh khỏi mặt nước, hớp vội lấy không khí và sặc sụa vì nước biển, cậu bé tức tối nhìn quanh tìm Socrates, không ngờ lại thấy ông đang kiên nhẫn chờ sẵn trên bờ. Lên đến bãi cát, cậu bé giận dữ gào lên: "Tại sao ông muốn dìm chết tôi?"

Socrates chậm rãi đáp lại bằng một câu hỏi: "Này cậu bé, thế trong lúc cậu suýt chết ngạt dưới biển, cậu đã mong muốn điều gì hơn bất kỳ mọi thứ trên thế gian này?"

Cậu bé suy nghĩ một lúc rồi trả lời theo trực giác: "Tôi muốn thở".

Ngay lúc bấy giờ gương mặt Socrates bừng sáng với một nụ cười rạng rỡ. Ông trìu mến nhìn cậu bé rồi ôn tồn nói: "Thế đấy, khi con muốn có được trí tuệ và sự sáng suốt mãnh liệt như khi con muốn được thở dưới mặt biển ban nãy, con sẽ có được chúng."

Cho và nhận

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "người bạn của sinh viên" vì sự thân mật và tốt bụng của mình đối với học sinh.

Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một người nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.

Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: "Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thày và em cùng trốn sau những bụi cây kia để xem thái độ của ông ta ra sao khi không tìm được những chiêc giày."

Vị giáo sư ngăn lại: "Này anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng của ông ta ra sao."

Người sinh viên làm như lời mà vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào một bụi cây gần đó.

Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một mòn quà đúng lúc cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.

Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: "Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?" Người thanh niên trả lời: "Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: "Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về".

7 điều giản dị

1. Bạn không thể thành công khi đơn độc. Câu chuyện nào kể về những thành công đều nói về những con người hết sức tương trợ lẫn nhau. Ai cũng có tài năng và điều kiện riêng biệt. Hãy làm những gì bạn làm tốt nhất và khích lệ mọi người phát triển trên “đất” của họ.

2.
Sự bền chí luôn luôn thắng cuộc. Nếu không bỏ cuộc, bạn không thể nào thất bại. Khi gặp trở ngại, cố gắng tìm những con đường khác nhau để vượt qua. Hãy lắng nghe những lời đanh thép của Winston Churchill hét lên trong những giờ phút đen tối nhất của nước Anh: “Không bao giờ, không bao giờ và không bao giờ bỏ cuộc.”

3.
Mỗi ngày nên dành một chút thời gian để tập trung vào nội tâm. Có người gọi đó là THIỀN. Hãy lắng nghe những lời thì thầm tận đáy lòng của bạn!

4.
Nếu bạn không bằng lòng với bản thân của ngày hôm nay thì đừng mong rằng ngày mai sẽ khác. Hãy thay đổi thái độ, cách nghĩ và cách sống để sớm nhận được những thay đổi mới trong tương lai.

5.
Bạn là sản phẩm của những ý nghĩ. Nếu bạn muốn có nhiều hơn những gì bạn nghĩ mình đang sở hữu thì đừng bao giờ tốn thời gian và năng lượng cho những ý nghĩ tiêu cực.

6.
Bạn luôn nhận được những gì bạn gửi đi. Nếu bạn muốn được giúp đỡ, trước hết hãy là người luôn sẵn sàng giúp người khác. Nếu bạn muốn thành công, hãy giúp hết lòng mọi người có được những gì họ muốn.

7.
Cuộc đời cũng giống như một bộ phim. Bạn là người viết kịch bản. Bạn là nhân vật chính. Bạn là đạo diễn và là nhà phê bình. Rồi phim cũng chấm dứt. Sống không phải để tồn tài, mà sống để làm nên giá trị của cuộc đời. Điều quan trọng là làm sao mỗi ngày trôi qua là những giây phút tuyệt vời nhất. Vì bạn chẳng có gì ngoài những khoảng khắc của hiện tại.

Wednesday, June 21, 2006

80 tầng

Bạn có bao nhiêu ước mơ chưa thực hiện? Bạn có bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu thời gian, bao nhiêu sức lực để thực hiện chúng?

Có 2 anh em sống trên tầng 80 của 1 chung cư cao ngất. Một ngày kia về nhà sau giờ làm việc, họ choáng váng khi nhận ra thang máy của chung cư bị hư, họ buộc phải leo bộ lên căn nhà của mình.

Sau khi vất vả leo đến tầng 20, thở hổn hển và mệt mỏi, họ quyết định để những túi xách của mình lại đó và sẽ quay lại lấy vào ngày hôm sau. Khi lên đến tầng 40, người em bắt đầu lầm bầm và sau đó 2 người bắt đầu cãi nhau. Họ vừa tiếp tục những bước nặng nề của mình, vừa cãi nhau cho đến tầng 60. Bỗng họ nhận ra rằng mình chỉ còn có 20 tầng nữa thôi. Họ quyết định ngừng cãi và tiếp tục leo lên trong sự bình an. Họ yên lặng leo lên và cuối cùng cũng đến được căn hộ của mình. Đến nơi, họ mới phát hiện đã để chìa khoá nhà trong những túi xách đã để lại tầng 20.

Câu chuyện này cũng tựa như cuộc đời chúng ta... Nhiều người trong chúng ta sống trong sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô và bạn bè khi còn bé. Chúng ta hiếm khi thực hiện những gì mình thật sự muốn, luôn ở dưới rất nhiều áp lực và sự căng thẳng đến nỗi đến năm 20 tuổi, chúng ta mệt mỏi và quyết định vứt bỏ gánh nặng này đi. Chúng ta sống một cánh năng nổ và có những ước mơ lớn. Nhưng đến khi 40 tuổi, chúng ta bắt đầu đánh mất tầm nhìn và những giấc mơ của mình, cảm thấy ko thoả mãn và bắt đầu phàn nàn, chỉ trích. Đến tuổi 60, chúng ta nhận ra mình ko còn nhiều thì giờ nữa để phàn nàn và chúng ta bước đi trong thanh thản, bình an. Chúng ta nghĩ ko còn gì làm cho mình thất vọng nữa. Và chợt nhận ra mình ko thể nào ngơi nghỉ trong sự bình an vì chúng ta còn những giấc mơ chưa thực hiện được- những giấc mơ mà chúng ta vứt bỏ cách đây 60 năm.

Vậy, ước mơ của bạn là gì? Hãy đi theo những ước mơ của mình để không phải sống trong sự nuối tiếc.

Amy Graham

Sau một đêm bay từ Washington D.C., tôi rất mệt mỏi và tôi tới nhà thờ Mile High ở Denver để chỉ đạo 3 dịch vụ và một phân xưởng sao cho phát triển tốt. Khi tôi bước vào, tiến sĩ Fred Vogt hỏi tôi, "Anh có biết về Tổ chức từ thiện Hãy-Có-Một-Ước-Mơ?"

"Có," tôi trả lời.

"Tốt, Amy Graham được chẩn đoán là bị bệnh bạch cầu giai đoạn cuối. Họ cho cô bé 3 ngày. Cô ấy khát khao được tham dự một buổi nói chuyện của anh."

Tôi choáng váng. Một cảm giác tự hào nhưng cả sự sợ hãi và nghi ngờ cùng có trong tôi. Tôi không thể tin nổi. Tôi nghĩ rằng những đứa trẻ sắp chết muốn đi chơi Disneyland, hoặc gặp các nhân vật nổi tiếng, những siêu sao. Chắc chắn rằng mấy đứa trẻ đó không muốn dành mấy ngày cuối cùng của cuộc đời để nghe Mark Victor Hansen. Tại sao một đứa trẻ chỉ còn sống vài ngày cuối cùng lại muốn tới nghe một nhà diễn thuyết về động lực tinh thần. Đột ngột, những suy nghĩ của tôi bị cắt đứt... "Đây là Amy," Vogt nói và đặt vào tay tôi bàn tay yếu đuối của cô bé. Trước mắt tôi là một cô bé 17 tuổi choàng một cái khăn màu đỏ và cam trên đầu, che đi toàn bộ mái đầu đã không còn tóc sau những cuộc trị liệu. Thân thể xanh xao của cô bé trông vô cùng yếu đuối. Cô bé nói, "Cháu có hai mục tiêu là tốt nghiệp phổ thông và tham dự buổi thuyết trình của bác. Các bác sĩ đã không tin rằng cháu có thể thực hiện được. Họ không nghĩ rằng cháu còn có đủ sức. Cháu đã được trả về cho gia đình... Đây là bố và mẹ của cháu."

Nước mắt trào lên; tôi dường như nghẹt thở. Tôi cảm thấy chao đảo, xúc động. Để lấy lại giọng nói của mình, tôi đằng hắng, mỉm cười và nói "Cháu và bố mẹ sẽ là khách mời của chúng tôi. Xin cảm ơn vì cháu đã tới tham dự." Chúng tôi ôm lấy nhau, lau nước mắt và chia tay.

Tôi đã tham gia rất nhiều hội thảo về chữa bệnh tại Hoa Kỳ, Canada, Malaysia, New Zealand và Australia. Tôi đã coi những nhà chữa bệnh giỏi nhất làm việc và tôi đã học, nghiên cứu, nghe, cân nhắc và hỏi điều gì đã hoạt động, tại sao và như thế nào. Vào buổi chiều Chủ nhật đó, tôi điều khiển một hội thảo mà Amy và bố mẹ em tham dự. Cả ngàn khán giả tràn ngập phòng họp, háo hức muốn học, phát triển những khả năng mà trước nay họ không biết đến.

Tôi nhẹ nhàng hỏi khán giả xem họ có muốn học một quy trình chữa bệnh mà có thể giúp họ trong cả cuộc đời không. Từ trên bục diễn thuyết tôi có thể thấy mọi người đều giơ cao tay lên trời. Tất cả đều đồng lòng muốn học. Tôi chỉ cho mọi người cách xoa mạnh hai bàn tay vào nhau rồi tách nó ra khoảng 5 cm và cảm nhận được nguồn năng lượng chữa bệnh phát ra từ nó. Tôi bắt cặp từng người lại với nhau để họ có thể cảm nhận được nguồn năng lượng từ người này đến người kia. Tôi nói "Nếu các bạn muốn chữa bệnh, hãy làm tại đây và ngay bây giờ." Khán giả liên kết lại với nhau và đó là một cảm giác ngây ngất tuyệt vời. Tôi giải thích rằng mỗi người đều có một năng lượng chữa bệnh và khả năng chữa bệnh. Năm phần trăm trong số chúng ta có được nó rõ ràng và mạnh mẽ đến mức có thể hành nghề. Tôi nói, "Sáng hôm nay, tôi vừa được giới thiệu với Amy Graham, một cô gái 17 tuổi, người có ước muốn cuối cùng trong đời là tham dự buổi thuyết trình này. Tôi muốn đưa cô lên trên đây và các bạn hãy gửi những năng lượng chữa bệnh tự nhiên của các bạn lên cho cô. Có lẽ chúng ta giúp được cho cô bé. Cô không yêu cầu điều đó. Tôi chỉ làm điều này một cách tự động vì cảm thấy nó đúng." Khán giả hô "Phải! Phải! Phải! Phải!"

Bố của Amy dắt cô lên trên bục. Cô nhìn thật yếu ớt sau tất cả những cuộc hóa trị liệu pháp, những ngày dài trên giường bệnh và sự thiếu vận động. (Các bác sĩ còn không cho cô đi lại hai tuần trước khi tới tham gia với chúng tôi.)

Tôi kêu mọi người làm nóng hai bàn tay, và gửi đến cho cô năng lượng chữa bệnh của họ. Sau đó mọi người đứng dậy vỗ tay hoan hô cô mà ai nấy đều nước mắt lưng tròng.

Hai tuần sau đó, cô gọi điện và báo rằng các bác sĩ sau khi kiểm tra sức khỏe cô đã cho cô về và chính cô cũng cảm thấy có sự thuyên giảm đáng kể. Hai năm sau đó cô gọi điện báo tôi biết rằng cô lập gia đình.

Tôi rút ra được rằng, không nên coi thường sức mạnh mà tất cả chúng ta đều có. Nó luôn luôn sẵn sàng để dùng cho mục đích cao đẹp nhất. Chúng ta phải nhớ đến việc sử dụng nó.

Ánh sáng cuối cùng

Hồi sinh viên vào các kì nghỉ, tôi thường xin dạy thêm ở các trường mẫu giáo. Lần đó tôi xin được một chỗ làm ở thị trấn St.Louis. Ngày mùng 2 của tháng, tôi mới được biết ở đây người ta chỉ được trả lương vào cuối tháng. Lúc đó tôi lặng người, bởi trong túi tôi chỉ còn 4$, tôi không thể trả tiền trọ chứ đừng nói đến đổ xăng hay ăn tối.

Tôi có một cây kèn trumpet và biết chơi piano một chút, nên ý nghĩ đầu tiên của tôi là dùng chúng để kiếm tiền. Nhưng ở đâu? Tôi còn chưa quen với thị trấn này. Thế là tôi quyết định: đem cái kèn của mình đi... cầm đồ, được 15$, đủ trả tiền trọ cho ngày hôm đó và hôm sau nữa. Nhưng rồi sẽ ra sao?

Có một quán cà fê nghèo nàn nằm ngay cạnh tiệm cầm đồ. Tôi vào và gọi cốc bia 35 xu. Rồi ngồi bên cốc bia và thần mặt ra.

- Trông cậu cứ như vừa đánh mất đồng xu cuối cùng ấy, con trai! - Người phục vụ già lại gần tôi và nói như vậy.

Ông ấy tên là Charlie, 60 tuổi. Tôi kể cho ông ta nghe mọi chuyện, kể cả chuyện cầm chiếc kèn. Charlie nghe rồi hỏi:

- Cũng biết chơi piano à?

- Cháu biết một chút thôi...

Charlie lại suy nghĩ vài phút, rồi hỏi tiếp:

- Có biết chơi bài "Stardust" không?

Thật may, đó là một trong số vài bài tôi biết chơi. Tôi thử chơi cho Charlie nghe, cố gắng hết sức. Không hay lắm, nhưng Charlie có vẻ thích. Ông cười vang và vỗ tay theo.

- Cậu chơi không hay lắm, nhưng không tệ đến nỗi có thể đuổi hết khách đi đâu! Mỗi tối cậu hãy đến đây chơi bản nhạc này, tôi sẽ cố giúp cậu kiếm được đủ tiền cho đến khi nào cậu được trả lương. Có bộ vest nào không?

Tôi không có, nên Charlie phải dẫn tôi đi mua ở một cửa hàng đồ cũ. Bộ vest màu nâu, có lẽ được dùng cho những người 40 tuổi, nhưng dù sao nó cũng hợp với tôi.

Ngày hôm sau, khách đến quán cà phê vào khoảng 6 giờ tối. Trông ai cũng vất vả và lấm lem. Họ già hơn tôi nhiều, có những người trông khắc khổ và lôi thôi. Họ nghe "Stardust" và những bài hát cũ mà tôi chơi một cách chăm chú mà tôi chơi một cách chăm chú, có người còn khóc. Mỗi tối vài lần, Charlie đặt một chiếc hộp lên quầy hàng và kêu lên:

- Anh em, chúng ta cần giúp đỡ cậu bé này! - Và đôi khi ông kể lại cả tình trạng của tôi: sống một mình và không có tiền.

Đến buổi tối thứ ba, có một bà cụ đến gần tôi:

- Con trai, ta không có tiền để giúp con đâu, nhưng ta có một căn phòng ở ngay bên cạnh và không dùng tới. Con có thể ngủ đêm ở đó để khỏi phải trả tiền nhà trọ.

Và thế là cứ ban ngày thì tôi dạy trẻ con ở trường mẫu giáo, tối chơi nhạc cho những người già ở quán của Charlie. Sau một tháng, tôi được lãnh lương. Tiền lương khá cao, đủ để tôi có thể sống đầy đủ. Tôi quay lại quán của Charlie chơi thêm một buổi nữa. Lần này tôi nói Charlie đừng đặt cái hộp lên bàn, vì tôi đã có tiền rồi.

Nhưng ở chỗ mà mọi hôm Charlie đặt cái hộp, hôm nay mọi người vẫn để tiền vào, dù không có hộp. Có nhiều đồng xu, và cả 1 tờ 20$.

Tôi không biết điều gì đã làm cho những người nghèo khổ ấy lại muốn giúp 1 "thằng bé" mà họ không quen biết, khi chính họ sống cũng vô cùng chật vật.

Sau này tôi chơi piano tốt hơn và cũng làm thêm tại một khách sạn lớn. Tôi chơi piano cho những người khách giàu có và sang trọng. Nhưng chưa một lần nào và chưa một ai sẵn sàng chia sẻ với tôi chính những gì họ có như những người nghèo ở quán của Charlie.

Có thể cuộc sống luôn biết sắp đặt con người vào đúng chỗ, và tôi chỉ gặp được những người tôi cần vào đúng lúc, đúng chỗ mà thôi...

Monday, June 19, 2006

Bài kiểm tra nhớ đời

Khi tôi đang còn học năm thứ hai trường nữ hộ sinh, một ngày nọ, vị giáo sư già cho chúng tôi làm bài kiểm tra. Việc đầu tiên của tôi là lướt mắt qua toàn bộ các câu hỏi. Không có câu nào quá khó, vì tôi vốn là cô học trò thông minh! Duy chỉ có câu hỏi cuối cùng làm tôi bật ngửa người: Chị hãy cho biết tên của bà lao công trong trường ta?

Trời đất ạ! Bà lao công thì có liên quan gì tới chuyện đỡ đẻ và chăm sóc sản phụ kia chứ? Ngày nào tôi chẳng gặp bà. Bà ấy già lắm rồi, chẳng biết là 60 hay đã 70 tuổi. Mặt nhăn nheo, dáng vẻ khắc khổ, bà hầu như không bao giờ nói tiếng nào, suốt ngày chỉ cắm cúi cầm giẻ, cầm chổi lau nhà. Nhiều khi cả bọn chúng tôi vừa bô bô tán chuyện vừa đi trên hành lang, không thèm tránh lối cho bà lão đang còng lưng lau sàn nhà. Trông bà lão vội vàng né sang một bên, có lúc lòng tôi cũng cảm thấy hơi nao nao. Một lần nọ, mải chạy, một cô bạn tôi vấp té đánh đổ bịch sữa đang uống dở ra sàn. Bà lão tội nghiệp vội lắp bắp: "Các cô để đấy cho già. Các cô vội, cứ làm việc của mình đi. Đây là việc của già mà!".

Chỉ có thế thôi thì làm sao tôi biết họ và tên của bà? Mà có biết cũng chẳng để làm gì. Bà ấy chẳng qua chỉ như cái bóng âm thầm bên lề cuộc sống sôi động đang cuốn hút lũ sinh viên ồn ào chúng tôi. Tôi quyết định để trống câu trả lời. Cũng không có gì là quan trọng. Miễn tôi trả lời xuất sắc những câu hỏi liên quan tới chuyên môn là được.

Vài ngày sau, vị giáo sư trả lại bài kiểm tra. Ông chậm rãi nói: "Đa số các em đều viết được. Nhưng tôi lo ngại rằng nếu cứ cái đà này khi tốt nghiệp lớp ta sẽ cho ra trường toàn là những... người máy. Đó sẽ là một thảm họa!". Phía dưới, lũ học trò chúng tôi lao xao, không hiểu thầy muốn nói gì. "Nghề của các em là chăm sóc, giúp đỡ những người phụ nữ trong những giờ phút đau đớn nhất và cũng là hạnh phúc nhất trong đời. Các em là thiên thần hộ mệnh cho những sinh linh mới. Nỗi đau của họ cũng phải là nỗi đau của chính các em. Nghề nghiệp của các em cần những con người nhạy cảm, biết quan tâm, nâng đỡ số phận của mọi người, dù họ là mệnh phụ phu nhân, một ngôi sao hay chỉ là một bà quét rác. Một bà lão cần mẫn phục vụ các em năm này qua năm khác mà các em cũng không thèm biết tên, không biết hoàn cảnh của bà ấy là một điều đáng để các em cần suy nghĩ. Vì thế, thầy cho rằng toàn bộ số bài kiểm tra của lớp ta đều không đạt yêu cầu".

Một bài học nhớ đời đối với tôi! Sau này, tôi dò hỏi và biết được tên của bà lão là Dorothy. Bà đã làm việc ở đây gần nửa thế kỷ, từ lúc còn con gái. Hai người con trai của bà đã hy sinh trong chiến tranh. Bà ấy có quyền nghỉ hưu nhưng vẫn xin ở lại làm việc không lương.

Ba lời nói có thể thay đổi cuộc đời bạn

Những thông điệp quan trọng nhất mà con người gửi cho nhau thường chỉ gói gọn trong 3 từ: "Anh yêu em", "Không sao đâu" hay "Thế là hết". Nhưng...

Một trong nững lời nói hữu ích nhất là: "Tôi đến ngay".

"Tôi đến ngay". Nếu có lần bạn gọi người thợ sửa ống nước vào 1 ngày cuối tuần, bạn sẽ cảm thấy câu trả lời này cần thiết biết bao. Nếu xe bạn bị hỏng trên đường và bạn chỉ còn một ít tiền lẻ để gọi điện thoại cho người thân thì bạn cũng thấy những câu trả lời này thật an lòng.

Những trường họp khác như:

- "Bà ơi, cháu sẽ tốt nghiệp vào tháng...". "Bà sẽ đến".

- "Anh yêu, em đang có cuộc họp khẩn và không thể đón chị em tại sân bay chiều nay được". "Anh đến ngay".

- "Mẹ ơi, cháu bé khóc suốt đêm qua, con không chợp mắt được tí nào, con sẽ ngã quỵ mất". "Mẹ đến ngay".

Một người đã thực hiện lời nói này là Nữ Hoàng Elizabeth của Anh. Trong suốt cuộc tấn công của Đức ở London năm 1940, chính phủ xin ý kiến của bà để cho công chúa Elizabeth và công chúa Margaret Rose chuyển đến nơi khác vì lý do an toàn. Nữ hoàng đáp: "Các công chúa sẽ không đi đâu cả trừ khi tôi ra đi, tôi sẽ không đi đâu trừ khi chồng tôi ra đi. Và nhà vua sẽ không bao giờ rời khỏi đất nước dù bất kỳ hoàn cảnh nào.

"Tôi đến ngay". Một câu nói chỉ có 3 từ mà thật khó thực hiện ít ra là đối với tôi.

*
* *

"Bạn có lý". Nếu nhiều cặp vợ chồng chịu nói với nhau: "Anh có lý" hoặc "Em có lý" thì người cố vấn hôn nhân sẽ thất nghiệp ngay. Do kinh nghiệm mà tôi biết được 3 từ này sẽ đem đến kết quả tốt đẹp trong một cuộc tranh cãi. Khi bạn cứ tìm cách không thừa nhận ý kiến đúng của đối phương thì chính bạn đang gây ra hành động có hại cho chính mình.

*
* *

"Trái tim biết". Khi còn bé, tôi nghe hàng ngàn lần câu nói này mỗi khi gặp chuyện khó xử. Tôi thường hỏi bà nên làm thế nào, nhưng câu trả lời luôn là "Trái tim biết". "Tim tôi biết ??? " - Tôi càu nhàu, "Thế nghĩa là gì chứ? Cháu cần bà khuyên cháu nên làm gì cơ mà".

Bà chỉ mỉm cười và đáp: "Trái tim biết, cưng ạ. Trái tim biết". Nhưng tôi là một đứa trẻ bướng bỉnh. Tôi thắc mắc: "Nhưng trái tim cháu đâu có nói được! " - "Hãy biết lắng nghe cháu ạ!"

Người ta có thể khuyên chúng ta làm gì nhưng hầu hết họ không chịu trách nhiệm nếu có sai lầm, chúng ta phải tự quyết định. Và đó là lúc ta cần biết lắng nghe.

Trái tim mách bảo. Các nhà tâm lý gọi điều này là "biết lắng nghe chính mình". Các nhà cố vấn tinh thần gọi là "Tìm đến một quyền năng cao cả". Cho dù bạn gọi nó là gì, bạn có khả năng tìm ra câu trả lời đúng cho cuộc đời bạn. Đó là "một đặc ân mà thượng đế dành cho mỗi người".

*
* *

Tôi phải mất 1 thời gian dài để nhận ra rằng cuộc đời không đi theo kế hoạch do mình đặt ra. Trong chừng mực nào đó, cuộc đời giống một trang giấy trắng. Bạn có thể làm ra 1 bản thảo vạch ra phương hướng của cuộc đời, nhưng bạn sẽ không đến đích nếu bạn không thảo ra những quyết định.

Để tìm ra lời giải đáp cho bài toán của cuộc đời,bạn có thể tìm thấy những lời nói đơn giản nhưng thật sâu sắc và hữu ích này:

- Tôi đến ngay.

- Bạn có lý.

- Trái tim biết.

Ba viên bi đỏ

Trong suốt những năm khủng hoảng ở cái bang Idaho bé nhỏ nằm phía Đông Nam nước Mỹ này, tôi thường đến cửa hàng nhỏ của ông Miller để mua rau quả tươi. Thực phẩm và tiền bạc đều khan hiếm, nên đôi khi chúng tôi dùng hình thức đổi chác.

Một hôm, khi ông Miller đang bỏ một ít khoai tây vào túi cho tôi, thì tôi nhìn thấy một cậu bé gầy gò, ăn mặc rách rưới nhưng khá sạch sẽ, đang nhìn giỏ đựng quả đậu xanh với ánh mắt đói khát. Tôi trả tiền xong liền đứng lại nghe cuộc nói chuyện giữa ông Miller và cậu bé ăn mặc rưới kia.

- Chào Barry, cháu khỏe không? - Tiếng của ông Miller.

- Chào ông Miller, cháu khỏe ạ! Cháu nghĩ đang ngắm giỏ quả đậu này. Trông chúng ngon thật đấy!

- Chúng ngon lắm, Barry ạ ! Mẹ cháu khỏe không?

- Cũng bình thường ạ? Hình như mẹ cháu đang khỏe lên.

- Tốt! Ta có thể giúp gì cho cháu nào?

- Không ạ, thưa ông. Cháu chỉ ngắm giỏ quả đậu thôi?

- Cháu có muốn lấy một ít không?

- Không ạ, thưa ông. Cháu không có tiền trả đâu.

- Được, cháu có gì để đổi nào?

- Cháu? - Tiếng cậu bé ngập ngừng - Cháu chỉ có một viên bi cháu mới chơi thắng được thôi ạ !

- Thế à? Cho ta xem nào!

- Đây, viên đẹp nhất đấy ạ !

- Nó màu xanh à... Nhưng ta đang cần viên màu đỏ. Cháu có viên màu đỏ không?

- Cháu không nhớ, để cháu xem...

- Này, cháu đem giỏ đậu này về nhà đi và lần sau mang cho ta viên đỏ nhé!

- Chắc chắn rồi, cảm ơn ông?

o0o

Có hai cậu bé nữa như thế ở làng này. Chúng nghèo lắm. Ông Jim nhà tôi cứ thích đổi chác, cho chúng quả đậu, táo, cà chua và những thứ khác. Cứ khi chúng giơ viên bi màu xanh ra, ông ấy lại bảo chúng cầm một ít rau quả về nhà và lần sau mang viên bi màu đỏ cho ông ấy. Vừa để chúng chịu mang rau quả về nhà ngay, vừa để chúng cảm thấy chúng thực sự đã làm gì cho để trao đổi, chứ không phải được cho không. Tôi thấy rất cảm phục ông Miller. Không lâu sau, tôi chuyển nhà, nhưng câu chuyện về ông Miller, người nông dân nhân hậu ấy, thì tôi không bao giờ quên.

Nhiều năm sau, lại có lần tôi quay về làng quê ở Idaho và rất buồn vì trong thời gian ở đó thì nghe tin ông Miller mất. Khi cùng vài người bạn cũ đến nhà ông Miller, tôi thấy ở đó có ba chàng trai trẻ, trông rất thành đạt. Họ đến gần bà Miller, ôm lấy bà và nói những lời an ủi. Rồi từng người một, họ đến bên ông Miller đang nằm đó, chạm những bàn tay nóng ấm của mình vào bàn tay lạnh lẽo của ông Miller và lau nước mắt.

Rồi tôi cũng lại gần bà Miller và nói rằng tôi vẫn nhớ câu chuyện về những viên bi ve ngày nào. Bà Miller nói:

- Ba chàng trai lúc nãy chính là những cậu bé ngày trước, tôi kể với cô. Họ vừa nói với tôi là họ đã biết ơn ông Jim và những gì ông đã "đổi chác" cho họ biết chừng nào. Và cuối cùng, bây giờ, khi ông Jim không còn đòi họ đổi những viên bi màu nào nữa, thì họ quay lại để tỏ lòng biết ơn ông ấy. Ông Jim luôn nghĩ mình là người giàu có nhất ở bang Idaho này với những viên bi ông có được.

Rất nhẹ nhàng, bà Miller nhấc bàn tay của ông Jim lên. Dưới bàn tay ông là ba viên bi đỏ, sáng bóng và trong veo.

Sunday, June 18, 2006

Cà rốt, trứng và cà phê

Một người phụ nữ trẻ đi về nhà mẹ, than vãn với mẹ về những khó khăn trong cuộc sống hiện tại của mình. Cô không biết sẽ phải làm gì và muốn từ bỏ tất cả. Cô cảm thấy mệt lả vì phải đối phó với mọi thứ, cứ việc này vừa giải quyết xong thì lại có việc khác phát sinh ngay lập tức.

Mẹ của cô bèn dẫn cô vào bếp. Bà đổ đầy nước vào 3 cái ấm. Rồi bà cho cà rốt vào cái ấm thứ nhất, trứng vào ấm thứ hai, và hạt cà phê vào ấm cuối cùng. Sau đó bà bắc 3 ấm lên bếp đun sôi mà không nói lời nào. Khoảng 20 phút sau, bà tắt bếp và lần lượt múc từng loại ra tô. Quay lại con gái, bà hoi: "Hãy nói cho mẹ nghe con đã thấy những gì?"

"Cà rốt, trứng và cà phê". Cô trả lời.

Bà bảo cô hãy tiếp xúc gần hơn và cho biết cảm giác. Cô làm theo và thấy cà rốt rất mềm. Cô lấy một quả trứng, đập và bóc vỏ, sau lớp vỏ cứng, trứng đã đông đặc lại. Cuối cùng cô nhấp một ít cà phê, mùi vị của nó thật thơm ngon dễ chịu.

Cô hỏi mẹ: "Vấn đề là như thế nào vậy mẹ?". Mẹ cô mới từ tốn giải thích rằng, mọi vật đều phải đối mặt với những tai hoạ -chẳng hạn như nước sôi- nhưng mọi vật đều có những cách phản ứng hoàn toàn khác nhau. Cà rốt từ dạng cứng nhưng sau khi luộc trong nước sôi thì nó mềm nhun và trở nên yếu đuối.

Trong khi trứng rất mỏng manh dễ vỡ nhờ vào vỏ bọc ngoài để bảo vệ lớp chất lỏng bên trong. Nhưng sau khi luộc trong nước, lớp chất lỏng bên trong đông đặc và cứng lại. Chỉ có cà phê là đặc biệt, chúng đã làm thay đổi mùi vị của nước. "Vậy con sẽ là loại nào?" - bà hỏi con gái - "Khi con gặp những điều không may, con sẽ phản ứng như thế nào? Con sẽ là cà rốt, trứng hay cà phê?"

Hãy nghi về điều này : Bạn sẽ là loại nào khi gặp những tai hoạ, bất mãn trong cuộc sống?

Liệu bạn có giống như cà rốt cứng rắn nhưng khi gặp nỗi đau và tai hoạ thì trở nên mềm yếu, đánh mất sức mạnh của mình?

Liệu bạn có giống như quả trứng có một trái tim yếu mềm, một tâm hồn nhạy cảm, mong manh nhưng khi chịu nhiệt, chịu thử thách thì trở nên khô khan, cứng nhắc dù vỏ bọc ngoài không thay đổi? Hay bạn giống những hạt cà phê đã làm thay đổi mùi vị của nước nóng, thay đổi hoàn cảnh đã đem lại đau thương cho mình, làm toát ra một mùi vị thơm nồng nàn. Nếu bạn giống như những hạt cà phê thì dù trong những hoàn cảnh xấu nhất bạn vẫn cảm thấy dễ chịu.

Vậy bạn là cà rốt, trứng hay hạt cà phê???

Điều đáng nói là phải can đảm đối mặt và hoà nhập với thực tế, dù nó không theo ý muốn của mình.

Cách nhìn mới về cuộc sống

Khi tôi bắt đầu tập đạp xe đạp cách đây vài năm, tôi không bao giờ nghĩ rằng chuyện tôi luyện tập đạp xe sẽ trở thành một điều gì lớn hơn là một vài cuốc xe lòng vòng. Nhưng khi tôi khỏe lên, bạn bè tôi khuyến khích tôi nâng cao mức tập luyện và thử sức với vài cuộc đường dài.

Cuộc thử sức đầu tiên là đoạn đường 150 dặm (hơn 200km), MS-150, một cuộc đua xe hàng năm quyên góp tiền cho việc nghiên cứu chống lại bệnh xơ cứng.

Khi tôi mới đăng ký dự thi, ý tưởng này dường như rất tuyệt vời - ủng hộ quyên góp cho một việc từ thiện khi chạy xe đường dài - và tôi rất hăng hái luyện tập. Nhưng khi cuộc đua đến, sự thiếu tự tin đã chiến thắng trong tôi. Tôi vẫn muốn quyên góp cho việc từ thiện, nhưng tôi không còn muốn chạy một đoạn đường dài như vậy trong suốt hai ngày liền.

Cuộc đua bắt đầu vào sáng ngày Chủ nhật tại vùng quê Georgia yên bình, và trong vài giờ đầu tiên tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Đây chính là điều mà tôi tưởng tượng, và tinh thần của tôi rất mạnh mẽ. Nhưng vào cuối ngày, tôi cảm thấy quá kiệt sức, nóng nảy.

Nếu ai đó tin rằng thể xác được nối với linh hồn, tôi đây sẽ là một ví dụ cụ thể. Mỗi điều than thở mà não đưa ra dường như đi thẳng tới hai chân tôi. "Mình không thể chịu nổi nữa," thì chân bắt đầu một cơn chuột rút, và "những người khác đều giỏi hơn mình" được tiếp theo là cảm giác hụt hơi, thiếu dưỡng khí. Tôi muốn bỏ cuộc.

Lên đến đỉnh đồi, cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp nơi chân trời xa đã giúp tôi đi tiếp được vài phút nữa. Khi đó tôi bỗng chú ý một vận động viên trước tôi một khoảng xa, đang đạp xe rất chậm trong bóng chiều đỏ rực. Tôi cảm thấy người này có điều gì đó khác lạ, nhưng tôi không rõ là điều gì. Vì thế tôi cố chạy đuổi theo. Cô ta đang chạy, đạp chậm nhưng đều đều vững vàng, với khuôn mặt mỉm cười nhẹ nhàng và cương quyết. Và rồi tôi nhận thấy rằng cô ấy chỉ có một chân.

Sự tập trung của tôi thay đổi ngay lập tức. Cả ngày tôi không tin tưởng vào thể xác của chính mình. Nhưng bây giờ tôi đã biết - không phải là thể xác mà chính là ý chí sẽ giúp tôi đạt được đích đến của mình.

Cả ngày hôm sau mưa. Tôi không trông thấy người nữ vận động viên một chân nữa, nhưng tôi tiếp tục chạy mà không than thở, vì tôi biết rằng cô ấy đang cùng với tôi ở đâu đó trên đoạn đường. Và vào cuối ngày, vẫn cảm thấy mạnh mẽ, tôi đã hoàn tất được 150 dặm của mình.

Cái giá của một đôi găng tay

Điều gì đã khiến bạn ở lại công ty để trở thành một nhà quản lý? Một người quản lý mới chậm rãi trả lời với giọng gần như đứt quãng: "Đó là một đôi găng để chơi bóng chày giá 19 đôla".

Cynthia kể lại rằng ban đầu cô chỉ nhận được một công việc thư ký bình thường cho tập đoàn Circle K như một vị trí tạm thời trong lúc tìm một chỗ khác tốt hơn. Vào ngày làm việc thứ hai hay thứ ba của cô, trong lúc đang ngồi sau quầy làm việc, cô nhận được cú điện thoại từ Jessie, đứa con trai 9 tuổi của cô. Nó đang cần một đôi găng để chơi bóng chày dành cho giải nhi đồng. Cô đã giải thích với con rằng bởi cô là một người mẹ đơn thân nên vấn đề tiền nong rất eo hẹp, cái séc cho kỳ lương đầu tiên của cô chắc phải thanh toán cho nhiều hóa đơn khác. Có lẽ cô sẽ mua cho nó đôi găng khi nhận được kỳ lương thứ hai hoặc thứ ba của mình.

Khi Cynthia đi làm vào sáng hôm sau, Patricia - vị giám đốc cửa hàng - gọi cô đến một căn phòng nhỏ ở sau cửa hàng dùng như một văn phòng. Cynthia tự hỏi không biết mình đã làm gì sai hay chưa hoàn tất một công việc nào đó vào hôm trước. Cô rất lo lắng và bối rối.

Patricia đưa cho cô một cái hộp: "Tôi đã nghe lỏm được trong lúc chị nói chuyện với con trai ngày hôm qua. Và tôi biết thật khó mà giải thích mọi thứ cho đứa trẻ. Đây là một đôi găng chơi bóng chày cho Jessie. Chị biết đấy, chúng tôi không thể trả lương cho những người tốt như chị nhiều như chúng tôi mong muốn, nhưng chúng tôi rất quan tâm và tôi muốn chị biết rằng chị rất quan trọng đối với chúng tôi".

Sự suy nghĩ sâu sắc, sự cảm thông cũng như tình cảm của vị giám đốc cửa hiệu này chứng minh một cách sống động rằng người ta thường nhớ về cái cách một người chủ quan tâm đến nhân viên mình nhiều như thế nào so với việc người chủ ấy trả lương cho mình bao nhiêu. Một bài học quan trọng cho cái giá của một đôi găng tay.

Saturday, June 17, 2006

Cái tách kì diệu

Khi sống ở New York, văn hào anh Somerset Maugham thường xuống khu Ritz Carlton. Một hôm tôi thổ lộ với ông ta là tôi rất tò mò về món đồ trông có vẻ hoàn toàn xa lạ, không phù hợp với khung cảnh bài trí trong phòng của ông: một cái tách cũ kỹ có nứt một đường...

Maugham mỉm cười đáp:

- Chính nó giúp tôi nhớ lại rằng những lợi ích những tiện nghi lớn nhất trên đời lại là những cái gì đơn giản nhất và cũng lại bị xem thường, đánh giá thấp nhất chỉ vì chúng ta cho đó là điều quá tự nhiên.

Và ông kể tiếp cho tôi nghe câu chuyện về cái tách nứt ấy. Vào năm 1940, khi nước Pháp bị quân Đức quốc xã chiếm đóng, vài trăm công nhân Anh sống ở vùng Côte D'Azur được gửi trả về quê hương trên hai chiếc tàu chở hàng loại nhỏ. Tàu phải chạy quanh co ngoằn ngoèo để khỏi bị tàu ngầm địch phát hiện.

Nhà văn nổi tiếng William Somerset Mougham

Hai chiếc tàu nhỏ chở quá nhiều người nhưng không mang theo đủ lương thực, vì vậy phải phân phối cho mỗi người một ít. Mắt mọi người đều đỏ ngầu, áo quần bẩn thỉu, nhất là ai cũng cảm thấy khát nước, phải xếp hàng nối đuôi lĩnh phần lương thực nghèo nàn của mình.

- Chính cái tách nứt đó - Maugham vừa trỏ ngón tay vừa nói - tôi đã dùng nó để đựng khẩu phần nước vô cùng ít ỏi của mình... Bây giờ mỗi lần mơ đến những món ăn cao lương mỹ vị, mỗi lần ước được trầm mình trong khung cảnh tràn ngập tiện nghi, hoặc những lúc thèm khát đóng vai một nhân vật tối quan trọng, tôi liền đem cái tách nước cũ kỹ đặt nó dưới vòi nước. Và từng hớp từng hớp một, tôi uống một cách chậm rãi. Bỗng chốc các mộng ước viển vông biến mất, tôi liền trở về với thực tại.

Câu cá

Cậu bé 11 tuổi và rất thích câu cá. Cậu đi câu cá bất cứ lúc nào có thể và thường ngồi câu ở cái vũng nơi căn lều nhà cậu, nằm trên một đảo nhỏ giữa hồ.

Một lần, cậu theo bố đi câu cá vào buổi chiều tối. Cậu mang theo ít giun làm mồi với hy vọng bắt được vài con cá. Cậu móc mồi rồi bắt đầu tập quăng mồi. Lưỡi câu đập thẳng vào mặt nước và tạo ra những gợn sóng nhiều màu sắc trong ráng chiều. Ngồi khá lâu, bỗng cậu cảm thấy cần câu rung lên, rõ ràng có cái gì đó rất nặng móc vào cần câu. Bố cậu quan sát đứa con khéo léo giật cần câu, nhấc lên một con cá đang vùng vẫy. Đó là con cá to nhất cậu bé từng nhìn thấy. Hai bố con nhìn con cá to bự đang quẫy. Người cha nhìn đồng hồ. Mới 8 giờ tối. Còn 4 tiếng nữa mới bắt đầu mùa câu. Ông bảo:

- Con trai, con phải thả nó ra đi. Chưa đến mùa câu.

- Kìa bố!- Cậu con trai kêu lên.

- Sẽ có những con cá khác- Bố cậu bình tĩnh nói.

- Nhưng không to như con này!- Cậu bé rên lên.

Cậu nhìn quanh hồ. Không có ai, cũng chẳng có tàu thuyền tuần tra. Cậu lại ngước nhìn bố. Không ai nhìn thấy họ, tức là sẽ không ai biết họ câu được cá. Và dù có người biết, người đó cũng không thể biết cậu câu được cá lúc mấy giờ. Nhưng cậu bé, qua sự rõ ràng trong giọng nói của bố cậu, biết rằng quyết định của ông sẽ không thay đổi. Cậu chậm chạp gỡ con cá ra và thả nó xuống mặt hồ đen lóng lánh. Con vật quẫy thật mạnh và lao biến đi. Cậu bé biết rằng rồi cậu sẽ chẳng bao giờ bắt được con cá to như thế nữa.

Đó là câu chuyện 34 năm về trước. Bây giờ, cậu bé đã là một kiến trúc sư thành đạt. Cái lều của gia đình anh vẫn ở trên hòn đảo nhỏ giữa hồ New Hampshire. Và anh cũng đưa con trai, con gái của mình đi câu. Anh đã đoán đúng. Anh không bao giờ bắt được một con cá to và đẹp như hồi nhỏ nữa. Nhưng anh luôn nhìn thấy con cá đó, từ lần này sang lần khác, mỗi khi anh đặt ra một câu hỏi về đạo đức. Vì, như cha anh đã dạy, đạo đức là những vấn đề đơn giản: đúng hay sai. Chỉ có điều: hành động đạo đức - ngay cả khi không có ai quan sát mình - mới là khó mà thôi.

Câu chuyện ba số 3

Tôi vẫn thường điều khiển các buổi hội thảo vào cuối tuần tại Deerhurst Lodge, bắc Toronto. Vào một đêm, cơn bão đã quét ngang một thị trấn nhỏ ở phía bắc chúng tôi, Barrie, giết hại nhiều người và thiệt hại lên đến hàng triệu đô la.

Vào đêm Chủ nhật, trên đường về nhà, tôi dừng xe khi chạy ngang qua Barrie. Tôi dừng lại bên đường cao tốc và nhìn quanh. Ngổn ngang. Khắp mọi nơi đều là những căn nhà đổ nát và những chiếc xe bị lật ngược.

Cũng vào đêm đó, Bob Templeton cũng chạy trên con đường cao tốc đó. Cũng như tôi, anh ấy cũng dừng lại để xem sự thiệt hại do thiên tai tạo ra, nhưng suy nghĩ của anh ấy hơn tôi nhiều. Bob là phó chủ tịch của Telemedia Communications, công ty sở hữu một loạt các đài phát thanh ở Ontario và Quebec. Anh ấy nghĩ rằng có thể giúp được những con người khốn khổ này với các đài phát thanh mà công ty anh có.

Đêm kế tiếp, tôi lại điều khiển một hội thảo khác ở Toronto. Bob Templeton và Bob Johnson, một phó chủ tịch khác của Telemedia, cùng đến và họp với nhau. Họ chia sẻ với nhau suy nghĩ rằng chắc chắn có điều gì đó mà họ có thể làm cho người dân Barrie. Sau hội thảo chúng tôi cùng đến văn phòng của Bob. Anh ấy được tất cả mọi người ủy nhiệm trong việc tìm ra phương pháp giúp đỡ mọi người bị thiệt hại sau cơn bão.

Vào tối thứ Sáu, anh ta gọi toàn bộ cấp lãnh đạo của Telemedia vào phòng của anh. Ở phía trên cùng tấm bảng anh viết ba số 3. Anh nói với các vị lãnh đạo "Bằng cách nào các anh có thể kêu gọi được 3 triệu đô trong 3 giờ và chuẩn bị việc này chỉ trong vòng 3 ngày là chuyển số tiền đó cho người dân Barrie vừa gặp thiên tai?" Cả phòng im phăng phắc. Cuối cùng một người lên tiếng "Templeton, anh điên rồi. Không có cách nào để làm được điều đó."

Bob nói "Chờ chút xíu, Tôi không hỏi các anh là chúng ta có thể hay chúng ta nên. Tôi chỉ hỏi là các anh có muốn không." Tất cả đều nói "Chắc chắn là chúng tôi muốn mà." Anh ấy liền gạch dọc chia đôi tấm bảng ra làm 2 phần. Một bên anh viết "Tại sao chúng ta không thể". Bên kia anh viết "Bằng cách nào chúng ta có thể".

- Tôi sẽ xóa phần "Tại sao chúng ta không thể." Chúng ta không phí thời gian cho việc suy nghĩ tại sao chúng ta không thể. Nó vô giá trị. Phía bên kia chúng ta sẽ ghi ra toàn bộ những ý kiến chúng ta nghĩ ra bằng cách nào chúng ta có thể làm được. Chúng ta sẽ không ra khỏi phòng cho đến khi chúng ta chưa tìm ra cách.

Cả phòng lại chìm vào im lặng.

Cuối cùng một người nói "Chúng ta có thể làm một buổi phát thanh trên khắp Canada."

Bob nói "Đó là ý kiến rất tuyệt," và ghi nó lên bảng.

Trước khi anh viết xong đã có người nói "Anh không thể làm buổi phát thanh trên toàn Canada được. Chúng ta không có các đài radio trên toàn Canada." Đó thật sự là một lời phản đối hợp lý. Họ chỉ có đài tại Ontario và Quebec.

Templeton nói "Đó là cái ta có thể làm. Ý kiến đó vẫn ở lại." Nhưng thật sự lời phản đối đó rất mạnh vì các đài radio cạnh tranh nhau dữ dội. Họ không chịu hợp tác với nhau và gần như là không thể làm được điều đó nếu chỉ theo cách suy nghĩ thông thường.

Bất ngờ một người đề nghị "Anh có thể mời Harvey Kirk và Lloyd Robertson, những tên tuổi lớn nhất trong ngành truyền thông ở Canada hướng dẫn chương trình." Từ thời điểm đó, biết bao nhiêu ý kiến sáng tạo đã được nghĩ ra nhanh chóng và mạnh mẽ đến kỳ diệu.

Đó là vào thứ Sáu. Vào thứ Ba họ có một chương trình phát thanh khổng lồ. Có 50 đài phát radio trên toàn quốc đồng ý phát tiếp sóng chương trình. Chẳng ai chú ý đến việc ai có lợi trong chuyện này ngoài chuyện làm sao người dân ở Barrie có được tiền. Harvey Kirk và Lloyd Robertson hướng dẫn chương trình và họ thành công trong việc kêu gọi được 3 triệu đô la cho những người dân gặp thiên tai trong 3 giờ và trong vòng 3 ngày.

Bạn thấy đó, bạn có thể làm được mọi điều nếu bạn tập trung vào việc bằng cách nào đạt được điều đó hơn là vào những điều tại sao bạn không làm được nó.

Friday, June 16, 2006

Cánh én báo tin vui

Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, cô bé đang xây những toà lâu đài cát trên bãi biển. “Cháu chào chú!”, cô bé ngước đôi mắt xanh thẳm như mặt đại dương nhìn tôi. Tôi chỉ gật đầu, không muốn bị một đứa trẻ con lẵng nhẵng bám theo. “Cháu đang làm thợ xây. Chú thử mà xem. Cát mịn thích lắm.”, cô bé rủ rê.

Xiêu lòng bởi ánh mắt và giọng nói thân thiện của cô bé, tôi đưa tay tháo dép. Đúng lúc đó một con chim nhỏ ở đâu bay tới, lượn trên đầu chúng tôi, miệng líu ríu vui tai. “Chắc có tin vui đấy!”, cô bé nói. “Cái gì?”, Tôi ngỡ ngàng. “Mẹ cháu bảo chim én biển mang tin vui tới cho mọi người”, cô bé giải thích.

Con chim bay dọc theo bãi cát và mất hút. “Thế là vĩnh biệt niềm vui, chào mi sự đau khổ!”, tôi lẩm bẩm. Tôi đang trong tâm trạng chán nản. “Chú tên gì vậy?”, cô bé hỏi. “Chú là Ruth, Ruth Peterson.Thế còn cháu?”... “Tên cháu là Wendy, cháu lên 6 tuổi rồi.

Những tuần tiếp theo qua đi với bao nhiêu điều bực bội và thất bạI trong công việc, thêm vào đó mẹ tôi đang ốm mà tôi không thể trở về thăm được.Nhìn mặt trời hừng đỏ nơi đường chân trời tôi ứơc ao “Giá có chú én biển nào đem tin vui đến vớI mình ?” .Lái xe ra chỗ hôm trước, tôi đi lại trong làn gió biển lạnh, ngóng chờ tiếng líu ríu báo tin vui “Chú có chuyện không vui phải không”, tiếng trẻ con vọng lại từ sau lưng tôi. “Không”, tôi hơi bực bội vì bị một đứa trẻ bắt quả tang, “Chú cháu mình chơi cái gì đi, đố chữ nhé?”. “Cháu không biết chơi”, cô bé bật cười và đáp bằng một giọng vô tư, vui vẻ. “Vậy mình đi dạo vậy. Nhà cháu ở đâu?” “Ở đằng kia”, cô bé trỏ tay về phía một ngôi nhà gỗ dùng để nghỉ mùa hè. “Lạ thật, hiện đang tiết đông kia mà”, tôi thầm nghĩ. “Cháu học trường nào?”, tôi hỏi tiếp. “Cháu không đi học. Mẹ cháu bảo đang kì nghỉ”. Trong lúc chú cháu tôi dắt tay nhau đi dọc bờ biển, nhìn cô bé líu lo, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn. Bất giác tôi mỉm cười.

Ba tuần sau, trong trạng thái gần như hoảng loạn, tôi gặp lại Wendy. Tình thật nếu bữa đó tôi gặp được mẹ của Wendy, tôi đã yêu cầu bà giữ cô bé trong nhà, thế nhưng Wendy vẫn chỉ có một mình trên bãi cát. “Hôm nay chú muốn ở đây một mình”, không quay mặt lại, tôi nói với cô bé đang tiến lại gần. “Sao vậy, chú?”, Wendy hỏi. “Sao nữa?”, tôi quay ngườI lại và hét lên, “Vì mẹ chú mất chứ sao nữa”. Ngay lập tức tôi hối hận.Tại sao mình lại nói chuyện này với một đứa trẻ con! “Vậy hôm nay là ngày buồn của chú”, cô bé khẽ thì thào. “Phải. Hôm nay, hôm qua, ngày mai và mãi mãi”. “Thế có đau không?”. “Cái gì đau?”, tôi ngạc nhiên. “Khi mẹ chú chết ấy”. “Tất nhiên rồi”, tôi đáp sẵng giọng rồi leo lên xe rồ máy.

Một tháng sau, tôi quay trở lại bãi biển. Không thấy bóng dáng Wendy đâu. Cảm thấy mình có lỗi, tôi tới gõ cửa căn nhà cô bé đã chỉ. Mở cửa cho tôi là một phụ nữ còn trẻ có mái tóc màu mật ong. “Thưa bà, tôi là Ruth Peterson. Hôm nay không thấy cháu Wendy ngoài bãi nên tôi ghé qua. Cháu có nhà không, thưa bà?”. Mời tôi và nhà xong người phụ nữ nói: “Cháu nó nhắc tới anh nhiều, tôi cũng dặn cháu là đừng làm phiền anh. Nếu quả cháu có làm điều gì không phải, xin anh tha thứ”. “Bà đừng hiểu lầm. Wendy là đứa trẻ rất đáng yêu. Cháu đâu, thưa bà?”. “Wendy qua đời tuần trước. Chắc nó không nói với anh là nó bị bệnh máu trắng”, người phụ nữ nghẹn ngào. Tôi câm lặng, hai tay bấu chặt thành ghế. Tôi thấy khó thở. “Hình như cháu nó có để lại cho anh một vật gì đó. Anh có thể chờ tôi một lát được không?”

Tôi thẫn thờ gật đầu.Trong lúc mẹ Wendy lục lọi gì đó trên giá sách, tôi cố lấy lại tỉnh táo. Mẹ Wendy trao cho tôi một bì thơ, trên đề “GỞI CHÚ P.” viết nắn nót bằng thứ chữ xiêu vẹo của trẻ con.Bên trong là một bức tranh tô chì màu. Bãi cát vàng, biển xanh và một chú én biển màu nâu. Phía dưới là dòng chữ: “Con én này mang tin vui đến cho chú”.

Bí quyết

Tôi lấy chồng đã gần 40 năm. Tuổi tác làm cho Scott đẫy đà hơn. Từng là vận động viên marathon, giờ anh ấy chỉ có thể chậm rãi đi trong hành lang bệnh viện. Mái tóc anh thưa dần, lưng đã hơi còng xuống vì những năm tháng lao động vất vả.

Thế nhưng ánh mắt vừa dịu dàng vừa sôi nổi của Scott vẫn khiến tôi muốn kéo anh chạy ùa ra đồng cỏ, hệt như thủa chúng tôi còn trẻ.

Khi người xung quanh hỏi tôi: "Điều gì khiến cho tình yêu của bạn kéo dài mãi mãi?", tôi thầm điểm qua trong óc những lý do như sự ràng buộc, cùng chia sẻ những mối quan tâm, không ích kỷ... Còn gì nữa nhỉ? Vui nhộn, ngạc nhiên. Thỉnh thoảng chúng tôi quay lại cái thời trẻ trung nghịch ngợm. Mới hôm qua, trong siêu thị, khách mua hàng tròn mắt khi thấy hai ông bà già (chúng tôi tự cho mình là như vậy) hùng hổ mua hàng như ăn cướp. Chẳng là chúng tôi chia đôi danh sách những món cần mua và cá độ xem ai mua xong trước. Scott giành được giải thưởng là một cây kem. Nhưng mới ăn được mấy miếng thì bị bể mánh: "Ông già" láu cá đã đẩy xe tới chỗ khuất và nhờ mấy cô bán hàng trong siêu thị lựa hàng giùm.

Tôi yêu Scott vì lúc nào anh cũng tặng tôi những điều ngạc nhiên. Ngày sinh nhật tôi năm nọ, vừa bước chân về nhà tôi nhìn thấy mẩu giấy dán trên cửa ra vào. "Có tin nhắn quan trọng trong ngăn kéo bàn trang điểm của em. Hôn em". Mảnh giấy trong ngăn kéo viết: "Anh vội đi. Em nhớ mở tủ quần áo ngay kẻo hư hết đồ. Chìa khóa giấu dưới thảm chùi chân trong bếp". Lo lắng không hiểu đã xảy ra chuyện gì, tôi hớt hãi tra khóa mở tủ. Scott! Diện một bộ đồ mới cứng, mồ hôi đầm đìa như tắm, chồng tôi đứng trong tủ, một tay cầm bó hoa tay kia cầm một cái ấm đun nước điện làm quà!

Giữa chúng tôi có sự hiểu biết. Tôi chẳng phàn nàn nếu thỉnh thoảng sau những trận bóng rổ, đám đàn ông rủ nhau làm vài vại bia. Anh cũng hiểu tại sao mỗi năm một lần, tôi giao con cái nhà cửa cho anh cai quản vài ngày để vượt vài trăm cây số tới chỗ mấy bà chị gái... tán gẫu cho sướng miệng.

Ngoài việc cùng gánh vác những công việc gia đình, Scott cố chia sẻ với tôi cuộc sống tinh thần. Biết tôi thích tiểu thuyết tình cảm, Scott chịu khó tranh thủ những lúc ngồi trên máy bay giữa các chuyến công tác để đọc chúng. Tôi biết anh chỉ thích truyện trinh thám và rùng rợn thôi, nhưng anh đã ép mình đọc tiểu thuyết tình cảm để tôi có người giãi bày, để tôi không cảm thấy đơn độc.

Chúng tôi sẵn sàng tha thứ cho nhau. Anh không bao giờ cằn nhằn nếu tôi vì bực bội ở sở làm mà lỡ to tiếng ở nhà. Và khi anh thú thật là đã để thua lỗ trong khi dùng tiền tiết kiệm của chúng tôi để đầu tư chứng khoán, tôi ôm hôn anh và nói: "Kệ nó. Dù sao cũng chỉ là tiền thôi mà, anh yêu".

Làm nghề bác sĩ, cảnh chết chóc hàng ngày có thể làm cho con tim người ta chai đi, nhưng điều này không xảy ra với Scott. Tuần trước, anh đi làm về với ánh mắt buồn rầu. Sau bữa cơm tối, để anh chơi với các con một lát rồi tôi mới kéo anh xuống bếp. Sau một thoáng im lặng, Scott giải thích lý do. Hôm nay, anh đã chứng kiến một người chồng đứng cạnh vợ đang hấp hối trên giường bệnh. Nhìn người chồng đau khổ vì bất lực, không thể cứu được vợ sau 40 năm chung sống, Scott cảm thấy bị dằn vặt. Nghe anh kể, tôi không cầm được nước mắt. Tôi khóc vì thương người đàn ông bất hạnh kia, tôi cũng khóc vì mừng rằng trái tim của người mà tôi yêu chưa hề nguội lạnh.

Bốn người vợ của nhà vua

Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua giàu có trị vì một vương quốc hùng mạnh. Ông có đến bốn người vợ, bà hoàng nào cũng xinh đẹp. Nhà vua yêu người vợ thứ tư nhất và luôn chiều theo mọi sở thích của bà, không bao giờ từ chối. Kế đến là người vợ thứ ba, nhà vua lúc nào cũng sợ mất bà, đi đâu cũng luôn muốn đưa bà đi theo.

Bà vợ thứ hai là chỗ dựa tinh thần của nhà vua, bà rất tử tế, dịu dàng và kiên nhẫn. Mỗi khi nhà vua gặp chuyện khó khăn, ông thường tâm sự với bà và thường nhận được những lời khuyên quý giá.

Người vợ thứ nhất của vua là người trung thành nhất, giúp vua trị vì và làm cho đất nước ngày càng giàu có nhưng nhà vua lại không dành nhiều tình cảm cho bà. Nhà vua luôn nghĩ rằng bà có thể tự chăm sóc lấy mình nên ít khi để ý đến bà.

Không may, một ngày nọ vua lâm bệnh và biết rằng mình không còn sống được bao lâu nữa. Ông nghĩ: "Ta có đến bốn người vợ, nhưng khi ra đi, e rằng lại hoàn toàn cô đơn!".

Nghĩ vậy, nhà vua gọi người vợ thứ tư đến bên cạnh và nói: "Ta yêu thương nàng nhất, luôn dành mọi thứ tốt đẹp cho nàng. Giờ đây ta sắp chết, nàng có theo ta để ta không cô đơn không?". Nhà vua nhận được câu trả lời: "Bệ hạ rất tốt với thiếp, nhưng yêu cầu đó quá khó, thiếp không thể làm được!". Nhà vua lặng đi một lúc rồi cho gọi người vợ thứ ba, bà trả lời: "Không, thưa đức vua, cuộc sống còn đẹp lắm, sẽ có một vị vua khác đến để tiếp tục che chở và chiều chuộng thiếp!". Trái tim vị vua cảm thấy lạnh buốt vì buồn bã và thất vọng. Ngài lại gọi người vợ thứ hai: "Ta luôn được nàng giúp đỡ và khuyên giải, nàng sẽ theo ta chứ?" - Nhà vua hỏi. "Lần này thiếp không thể giúp được gì hơn, thưa đức vua" - người vợ thứ hai đáp - "Nhưng thiếp hứa sẽ chăm sóc bệ hạ đến những giây cuối cùng, rồi sẽ đưa bệ hạ đến nơi yên nghỉ và sẽ luôn nhớ đến bệ hạ!". Nhà vua hoàn toàn tuyệt vọng.

Nhà vua không hề nhớ ra người vợ thứ nhất, cho đến khi ngài nghe thấy một giọng nói cất lên bên cạnh: "Thiếp sẽ theo ngài đến bất cứ nơi đâu ngài đi tới, dù đó là cõi chết". Đó chính là người vợ thứ nhất của ông. Trông bà mệt mỏi và gầy yếu. Buồn bã và nuối tiếc vô hạn vì cách đối xử của mình, nhà vua thốt lên: "Lẽ ra ta đã phải chăm sóc và thương yêu nàng nhiều hơn mới phải!".

Bạn vừa được đọc một câu chuyện cổ tích, trong đó có vua và các bà hoàng. Chúng ta không sống trong thế giới cổ tích, nhưng bạn biết không, nếu coi mỗi chúng ta cũng giống như nhà vua đó, thì bạn hãy để ý xem, mỗi chúng ta cũng có đến bốn “người vợ” đấy.

“Người vợ” thứ tư của chúng ta là cơ thể. Hầu như ai cũng lo lắng, chăm sóc đến bản thân, đến cơ thể mình nhiều nhất, làm sao để trông thật đẹp đẽ. Nhưng khi chúng ta ra đi, cơ thể ấy cũng tan biến, không để lại gì trên đời.

“Người vợ” thứ ba có tên là “địa vị và của cải”. Đây chính là những thứ dễ mất nhất, vì dù sao chúng cũng chỉ là vật chất. Khi chúng ta không còn sống, “địa vị” không còn và “của cải” sẽ thuộc về người khác.

“Người vợ” thứ hai là gia đình và bè bạn. Họ luôn quan tâm và giúp đỡ, luôn an ủi và khuyên giải, nhưng họ chỉ có thể chăm sóc ta đến những phút cuối cùng và nhớ thương ta.

“Người vợ” thứ nhất chính là TÂM HỒN. Không phải ai cũng nhớ đến nó khi sống trong một thế giới mọi người đều phải chạy đua với của cải, địa vị để thỏa mãn cho cái “tôi” của mình. Thế nhưng TÂM HỒN là điều duy nhất luôn đi cùng với chúng ta đến bất cứ nơi nào chúng ta đến, và chính là thứ để mọi người nhớ mãi đến ta dù ta có ở nơi nào.

Wednesday, June 14, 2006

Bàn tay nguyện cầu

Vào thế kỷ thứ 15, tại một ngôi làng nhỏ gần Nuremberg có một gia đình rất đông con. 18 đứa! Để kiếm đủ thức ăn đem về hằng ngày cho lũ trẻ, ông bố - một người thợ kim hoàn đã phải làm việc vất vả gần 18 tiếng mỗi ngày và chẳng từ một bất kỳ công việc gì mà người trong làng thuê ông.

Mặc dù sống trong cảnh cùng quẫn, hai người con lớn Albrecht và Albert vẫn ấp ủ một ước mơ đẹp đẽ: cả hai đều muốn theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, nhưng thật đáng buồn vì người cha sẽ chẳng bao giờ kiếm đủ tiền để gửi họ đến học viện ở Nuremberg. Sau nhiều đêm dài cùng bàn bạc trên chiếc giường chật chội, hai anh em nghĩ ra được một cách: họ sẽ gieo đồng xu, người thua sẽ xuống làm việc trong hầm mỏ gần nhà kiếm tiền nuôi người kia suốt thời gian ở học viện, và sau 4 năm người được học trước sẽ phải lo tiền học cho người còn lại, cho dù đó là tiền lời bán tranh, hay nếu cần là tiền lương của công nhân hầm mỏ.

Họ cùng nhau gieo đồng xu. Albrecht thắng và lên đường đến Nuremberg. Albert bắt đầu chuỗi ngày làm việc vất vả nhọc nhằn trong hầm mỏ và suốt bốn năm đều đặn gửi cho anh khoản tiền lương ít ỏi. Tại học viện, tranh của Albrecht được đánh giá như một bước đột phá. Những bức khắc, gỗ chạm, sơn dầu của anh vượt xa các giáo sư lâu năm. Đến lúc tốt nghiệp, Albrecht đã có thể kiếm được những món tiền lớn nhờ bán tranh.

Khi Albrecht trở về làng, gia đình Durer tổ chức một bữa tiệc lớn ăn mừng sự thành công của chàng họa sĩ trẻ. Sau bữa ăn dài thịnh soạn đầy tiếng cười và tiếng nhạc, Albrecht đứng lên nâng cốc về phía người em trai ở cuối bàn bày tỏ lòng biết ơn những năm tháng hy sinh thầm lặng để anh vun đắp cho hoài bão nghệ thuật: “Và bây giờ, Albert, em trai yêu quý của anh” - Albrecht trìu mến nói - “đã đến lúc em biến ước mơ của mình thành hiện thực. Hãy đến Nuremberg, anh sẽ lo tiền học cho em”.

Tất cả mọi người đều quay về phía cuối bàn nơi góc phòng. Albert ngồi đó, nước mắt ràn rụa trên gương mặt gầy gò xanh xao, chỉ có thể nghẹn ngào: “Không, không, không...”.

Cuối cùng Albert lau nước mắt đứng dậy, nhìn khắp lượt những người anh yêu thương rồi đưa tay ôm mặt khẽ nói:

- Ôi không anh ơi, đã muộn mất rồi. Em không thể đến Nuremberg được nữa. Những tháng năm dưới hầm mỏ đã tàn phá đôi tay em. Mỗi ngón tay đều đã dập nát không dưới một lần, và gần đây tay phải em lại bị chứng thấp khớp hành hạ, đến nỗi không thể cầm ly chúc mừng anh thì làm sao có thể cầm cọ vẽ những đường nét tinh tế trên khung vải trắng. Anh ơi,... đã quá muộn rồi...

-o0o-

Lịch sử đã lùi vào quá khứ hơn 450 năm. Giờ đây, hàng trăm tác phẩm của Albrecht Durer được trưng bày trong nhiều viện bảo tàng lớn trên thế giới, nhưng điều lạ lùng là phần lớn người ta biết đến tranh ông, thậm chí treo trong nhà bản sao của chỉ một tác phẩm duy nhất.

Tác phẩm nổi tiếng "Bàn tay nguyện cầu" của Albrecht Durer

Người ta kể lại rằng vào một ngày nọ, để tỏ lòng biết ơn đức hy sinh cao cả của người em trai, Albrecht đã kiên trì tái hiện từng đường nét của đôi bàn tay không còn lành lặn áp vào nhau, với những ngón tay xương gầy hướng lên trời. Ông gọi bức tranh của mình đơn giản chỉ là “Hands”, nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật này và đặt tên cho món quà tình yêu ấy là “The praying hands”. Nếu có dịp bạn được thấy bản sao của tác phẩm xúc động này, hãy dành ít phút lắng hồn mình để tự nhủ rằng: tác phẩm nghệ thuật ấy được kết tinh từ bàn tay không phải chỉ của một người họa sĩ.

Cậu bé dưới bóng cây

Trong mùa hè giữa năm thứ nhất và năm thứ hai đại học, tôi được mời vào làm phụ trách một trại hè cho học sinh trung học thuộc một trường đại học ở Michigan. Tôi đã từng tham gia rất nhiều hoạt động của trại nên tôi nhận lời ngay lập tức.

Một giờ sau khi tôi bắt đầu ngày đầu tiên ở trại hè, giữa một đám ồn ào hỗn loạn các anh phụ trách và học sinh, tôi nhận ra một cậu bé ở dưới bóng cây. Cậu rất nhỏ bé và gậy guộc. Rõ ràng việc cậu đang mất tự nhiên và xấu hổ rụt rè càng làm cho cậu trở nên yếu đuối, mỏng manh. Chỉ 50 bước gần đó, 200 trại viên đang hăm hở rượt đuổi, chơi đùa, và gặp gỡ lẫn nhau như đã thân nhau từ lâu lắm chứ không phải chỉ mới quen. Nhưng cậu bé dưới bóng cây dường như đang ở một thế giới khác. Vẻ cô đơn đến tột độ của cậu đã làm tôi khựng lại, nhưng nhớ lại lời những anh chị phụ trách lớn tuổi hơn rằng phải chú ý đến các trại viên có vẻ tách biệt ra, thế là tôi bước đến.

Đến gần cậu bé, tôi nói "Chào em, anh tên là Kevin. Anh là một trong các phụ trách ở đây. Anh rất vui được gặp em. Em khỏe không vậy?" Với một giọng nói run run bẽn lẽn, cậu bé cố sức trả lời, "Dạ em bình thường." Tôi nhẹ nhàng hỏi cậu rằng cậu muốn tham gia những sinh hoạt và gặp các bạn bè mới không. Cậu trả lời nhỏ "Dạ không, em không thích lắm."

Tôi có thể cảm nhận được rằng cậu đang ở trong một thế giới hoàn toàn riêng tư. Trại hè quá mới, quá xa lạ đối với cậu. Nhưng bằng cách nào đó, tôi cũng biết rằng cũng không nên ép cậu bé. Cậu không cần một lời cổ vũ, cậu cần một người bạn. Sau một lúc lâu im lặng, câu chuyện của chúng tôi chấm dứt.

Sau bữa trưa ngày thứ hai, tôi hét bể cuống họng của mình để điểu khiển cả trại hát. Tất cả trại đều tham gia hăm hở. Ánh mắt tình cờ xuyên qua đám đông ồn ào lộn xộn và thấy hình ảnh cậu bé đó đang ngồi một mình, nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi suýt nữa đã quên mất lời bài hát đang phải hướng dẫn. Khi lại có cơ hội gặp cậu bé, tôi cố thử một lần nữa, với những câu nói hệt như trước "Em có khỏe không? Em có sao không?" Và cậu bé lại trả lời "Dạ vâng, em khỏe. Em chỉ chưa quen thôi." Khi tôi rời nơi cậu bé ngồi, tôi hiểu rằng để cậu bé hòa đồng phải tốn nhiều thời gian và công sức hơn tôi tưởng ? dù tôi không biết rằng tôi và cậu bé có thể cởi mở được với nhau hay không nữa.

Vào buổi tối hôm đó khi họp với những người phụ trách của trại, tôi kể ra những điều lo lắng của mình về cậu bé. Tôi giải thích cho các bạn phụ trách ấn tượng của tôi về cậu bé, yêu cầu họ chú ý và dành thêm thời gian cho cậu nếu có dịp.

Những ngày ở trại trôi qua nhanh hơn tôi tưởng. Thật là tiếc, nhưng rồi đêm cuối cùng ở trại cũng đến và tôi đang theo dõi "bữa tiệc chia tay". Các học sinh đang tận hưởng những giây phút cuối cùng của mình với các "bạn tốt nhất" của họ - những người bạn mà có thể họ sẽ chẳng bao giờ gặp lại.

Ngắm nhìn các trại viên cùng nhau chia sẻ những giây phút cuối bên nhau, tôi bất ngờ thấy được một hình ảnh mà sẽ lưu mãi trong cuộc đời tôi. Cậu bé mà từng ngồi một mình dưới gốc cây đó đang làm một điều kỳ diệu. Cậu đang chia xẻ cùng hai cô bé khác những món quà lưu niệm. Tôi nhìn cậu đang có nhưng giây phút thân mật đầy ý nghĩa với những người mà cậu chưa bao giờ gặp chỉ mấy ngày trước đó. Tôi không thể tin nổi đó chính là cậu bé dưới bóng cây.

Vào một đêm tháng 10 năm đó, tiếng chuông điện thoại kéo tôi ra khỏi cuốn sách hóa học. Giọng một người lạ, rất nhẹ nhàng và lịch sự hỏi tôi "Dạ có phải là anh Kevin không ạ?"

"Dạ chính là tôi, xin lỗi ai đầu dây đó ạ?" "Tôi là mẹ của Tom Johnson. Cậu có nhớ Tommy từ trại hè không ạ?" Cậu bé dưới bóng cây! Làm sao tôi có thể quên được? "Dạ cháu nhớ rồi," tôi nói. "Cậu bé rất dễ thương. Bây giờ cậu bé ra sao ạ?"

Chợt lặng đi một hồi lâu, sau đó bà Johnson nói,”Tuần này trên đường từ trường về, Tommy của tôi đã bị một chiếc xe đâm phải? Tommy đã không còn nữa rồi” Bàng hoàng, tôi chia buồn cùng bà mẹ.

"Tôi muốn gọi cho cậu," bà ta nói, "bởi vì Tommy nhắc đến cậu nhiều lần. Tôi muốn cậu biết rằng nó đã trở lại trường mùa thu rồi như một con người mới. Nó đã có nhiều bạn mới. Kết quả học tập lên cao. Và nó còn hò hẹn với bạn gái vài lần nữa. Tôi chỉ muốn cám ơn cậu đã làm cho Tom thay đổi như vậy. Những tháng cuối cùng là khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời nó."

Vào lúc đó tôi đã nghiệm ra: hãy dành sự quan tâm, đồng cảm, sẻ chia với mọi người quanh bạn. Bạn sẽ không thể ngờ được mỗi cử chỉ ần cần, chân thành của bạn có thể sẽ có ý nghĩa với người khác đến như thế nào đâu. Tôi kể lại chuyện này mỗi lần có dịp, và khi tôi kể xong, tôi thôi thúc người khác nhìn ra bên ngoài và tìm cho mình một "cậu bé dưới bóng cây".

Cây sồi của tình yêu

Không biết đây là lần thứ mấy chục, tôi và David giận nhau. Cũng như mọi lần khác, cũng chỉ vì những chuyện lặt vặt mà thôi. Nhưng dịp này tôi muốn xa anh một thời gian để tĩnh tâm suy nghĩ về tình yêu của chúng tôi.

Tôi rất yêu David và không muốn mất anh, nhưng không hiểu tại sao tôi cứ muốn anh phải theo ý tôi. Hễ chúng tôi tranh cãi, tôi muốn mình luôn phải là người thắng. Nếu quả anh yêu tôi, anh phải chiều tôi chứ.

Tôi lái xe về trang trại của bà ngoại. Tuy ngoại đã bảy chục tuổi nhưng bà còn khỏe lắm. Chiều nào bà cũng dắt tôi đi dạo trên những cánh đồng cỏ. Không khí mát mẻ, trong lành, thảm cỏ xanh đầy hoa của mùa hè và tiếng vo ve của những bầy ong khiến lòng tôi dịu lại. Trong lúc đi dạo, thế nào chúng tôi cũng nghỉ chân một lát dưới gốc cây sồi to nằm trên ranh giới với trang trại bên cạnh. Giữa tiếng gió rì rào, bà ngoại tôi ngẩng đầu săm soi tán lá um tùm như muốn tìm kiếm một cái gì đó. Mấy ngày đầu, tôi không chú ý lắm tới cử chỉ này của bà. Nhưng một hôm, tôi nhìn theo ánh mắt của bà và phát hiện có cái gì đó như là những chữ cái được khắc trên vỏ cây, ở tít trên cao. Tôi quay lại nhìn bà. Như để trả lời câu hỏi thầm lặng của tôi, bà ngoại kể:

Thủa còn trẻ, bà ngoại và cậu trai duy nhất của ông chủ trang trại bên cạnh yêu nhau say đắm. Cây sồi là chốn hẹn hò lý tưởng cho đôi trẻ. Lúc ấy nó mới chỉ cao bằng hai người lớn. Bám vào thân cây như con ếch, Michael, tên cậu trai, hì hụi dùng dao nhọn khắc lên đó dòng chữ to tướng "A + M = Tình yêu". A là chữ viết tắt của Andy, tên bà ngoại tôi. Trớ trêu thay, một ngày kia, cây sồi trở thành chứng nhân cho một cuộc tranh chấp khoảnh cỏ nuôi cừu giữa hai trang trại giáp nhau, nơi có cây sồi mọc. Súc vật của hai gia đình không còn được thả ăn cỏ quanh cây sồi.

Dù bị cấm đoán, Michael và Andy vẫn bí mật gặp nhau dưới gốc sồi vào buổi tối. Ban đầu họ cố tránh đề cập tới cuộc cãi vả giữa hai nhà, nhưng cuối cùng bóng mây xám của cuộc tranh chấp bắt đầu che phủ lên tình yêu giữa Michael và bà ngoại tôi. Theo Michael, cứ mặc kệ người lớn tranh chấp. "Sau này chúng mình lấy nhau, cây sồi là của anh và em kia mà!", Michael bảo. Nhưng bà ngoại tôi muốn rằng, mọi việc phải rõ ràng là khoảnh cỏ ấy của nhà nào. Anh chàng Michael nọ bối rối im lặng khi bà ngoại tôi tuyên bố, nếu không được như ý sẽ cắt đứt quan hệ với cậu ta. Tội nghiệp Michael, trong suốt một thời gian dài, chiều nào cậu cũng ra chỗ cây sồi chờ đợi. Biết chuyện, ông cố tôi gởi bà ngoại tôi tới nhà một bà dì ở Ohio.

Năm tháng trôi qua, cây sồi đã lớn. Khoảnh cỏ tranh chấp thì vẫn bỏ đó, vì sau khi ông cố tôi mất, bà ngoại đã trở thành cư dân New York. Rồi bà lấy chồng. Cuộc hôn nhân sớm tan vỡ sau vài năm chung sống, để lại cho bà một cô con gái là mẹ tôi. Trang trại của gia đình bị bỏ hoang suốt mấy chục năm. Ngày bà ngoại tôi trở về quê, cũng là ngày ông Michael trút hơi thở cuối cùng. Trước mặt bà ngoại tôi, ông thều thào trăn trối lại rằng, chỉ xin được chôn cạnh gốc sồi có khắc tên ông và bà ngoại tôi: "Tôi muốn gốc sồi đó mãi mãi là của tôi và bà".

Hẳn David rất ngạc nhiên khi nhận được bức điện của tôi được đánh đi vào sáng hôm sau: "Chúng mình hòa nhé". Lần đầu tiên trong đời, tôi nói tới chữ "hòa". Con người ta không nhất thiết phải cố thắng cho bằng được, bằng mọi giá, ở mọi nơi, trong mọi trường hợp.

Monday, June 12, 2006

Chỉ chừng trăm bước nữa...

Hồi đó tôi hai mươi lăm tuổi, thất nghiệp và đói. Đã nhiều lần rồi tôi ở trong tình cảnh như vậy, tại Constantinople, tại Paris,tại Rome. Nhưng tại New York mà ngay cái không khí người ta thở cũng có cái vị hạnh vận thành công, mà thất nghiệp thì thật là tui nhục quá.

Tôi hoàn toàn không biết xoay xở ra sao, điều đó chẳng có gì lạ. Tôi muốn kiếm ăn bằng ngòi bút nhưng không biết được tiếng Anh. Thành thử suốt ngày tôi lang thang ngoài phố, không phải vì thích thể thao đâu mà để bà chủ nhà khỏi bận mắt.

Một hôm, trên con đường 42, tôi đụng đầu với một người to lớn tóc hung hung. Tôi nhận ra liền: Féodor Chaliapine, kép hát Nga nổi tiếng. Hồi thiếu niên, tôi đã nhiều lần đứng nối đuôi mua giấy hạng bét để nghe ông ta hát ở rạp Đế quốc Hí viện Moscou. Hồi làm báo ở Paris, tôi có lần lại phỏng vấn ông ta. Tôi tưởng ông ta không nhận ra được, không ngờ nhận ra được. Ông ta hỏi tôi:

- Bận lắm không?

Tôi đáp lí nhí một câu mơ hồ. Có lẽ ông ta đoán được tình cảnh của tôi.

- Theo tôi về khách sạn tôi trọ ở góc đường Broadway và đường 103 nhé? Chúng mình cùng đi bộ. Lúc đó đã giữa trưa và tôi đã đi lang thang năm giờ rồi.

- Nhưng, ông Chaliapine ạ, từ đây tới đó năm sáu cây số lận.

Ông ta ngắt lời tôi:

- Điên nào. Chưa đầy trăm thước.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Trăm thước?

- Thì vậy chứ sao? Tôi không nói là tới khách sạn, dĩ nhiên. Là tới gian bắn ở đại lộ 6 ấy.

Tôi chẳng hiểu gì cả. Nhưng cũng đi theo. Một lát chúng tôi tới trước gian hàng đó, đứng ngó hai chú lính thủy bắn vào một cái bia, đều đều, không biết bao nhiêu lần. Rồi chúng tôi lại tiếp tục đi. Ông Chaliapine vui vẻ bảo tôi:

- Bây giờ còn hơn một cây số nữa.

Tôi gật đầu. Một lát sau tới Carnegie Hall, ông Chaliapine bảo tôi ông ta thích nhìn vẻ mặt những người lại mua giấy nghe hòa nhạc ở Viện âm nhạc. Chúng tôi ngừng lại vài phút rồi tiếp tục đi. Lần này ông nhanh nhầu bảo:

- Chỉ còn tám trăm thước là tới vườn thú của công viên trung ương. Ở đó có một con tinh tinh (gorille) giống một kép hát có giọng cao mà tôi quen.

Chúng tôi lại thăm con tinh tinh. Cách đó một ngàn hai trăm thước, về tới đường Broadway, chúng tôi ngừng trước một tiệm tạp hóa. Trước cửa tiệm có bày một thùng dưa leo, Chaliapine trố mắt ra ngó dưa leo một lúc: bác sĩ cấm ông ta ăn dưa leo.

- Chà, coi ngon quá. Trông thấy mà nhớ tuổi trẻ của tôi

Còn tôi, tôi tự hỏi sao chưa ngất ngư chứ, mà lại thấy khỏe mạnh hơn bao giờ nữa. Chúng tôi ngừng một lần cuối cùng nữa ở đường 90 để ngắm những hàng trái cây tại một chợ, trước một trạm xe điện mới sơn lại, góc đường 96, và sau cùng nó tới khách sạn. Chaliapine cười, bảo tôi:

- Đường đâu có xa, phải không? Bây giờ tụi mình đi ăn.

Sau một bữa thịnh soạn, ông mới cho tôi hiểu tại sao bắt tôi đi bộ 6 cây số đó. Giọng ông nghiêm trang:

- Thầy sẽ không bao giờ quên lần đi bộ hôm nay đâu. Tôi đã cho thầy một bài học nhỏ đấy. Đừng bao giờ lo lắng, buồn rầu vì đích còn ở xa. Chỉ nghĩ tới cái gì ở cách ta một trăm thước thôi. Đừng lo ngại về một tương lai bấp bênh. Chỉ nghĩ tới những cái vui ngày hôm sau thôi, dù nó tầm thường tới mức nào đi nữa.

Nhiều năm đã trôi qua. ông Chaliapine đã qui tiên mà hầu hết những điểm làm mục tiêu trong lần đi bộ không sao quên được đó, hiện nay cũng không còn, cảnh vật đã biến thiên. Nhưng trong bao nhiêu năm đó, triết lý thực tế của ông đã giúp tôi được nhiều.

Nó đã giúp tôi khi tôi quyết định học tiếng Anh. Không khi nào tôi tự hỏi: "Phải học bao năm nữa mới viết được thứ tiếng đó".

Trái lại tôi tự nhủ: "Hôm nay trên tờ Times có hai mươi tám tiếng mình chưa biết. Ngày mai sẽ còn không tới hai mươi tiếng".

Triết lý đó cũng giúp tôi giữ vững được tinh thần khi vì một sự lầm lỡ của các người hùn vốn, tôi buộc phải trả cho chủ nợ nửa số tiền mà tôi hy vọng kiếm được trong bốn năm sau. Nếu trong 208 tuần lễ đó, tôi cứ nghĩ bụng hoài rằng phải sống cực khổ thì chắc chắn tôi đã nản chí mà không kiếm được một đồng nào cả. Nhưng tôi chỉ tự nhủ; "Thứ hai, thứ tư và thứ sáu, mình sẽ làm cho mình" . Nghĩ vậy thì mọi sự thay đổi hết. Tôi trả được hết nợ mà kiếm được đủ sống, không đến nỗi thiếu thốn .

Qui tắc trăm bước của Chaliapine đó là một hoàng kim quy tắc. Ai cũng có thể theo mà thấy có lợi. Có thể rằng cái đích ta nhắm còn xa thăm thẳm đấy, nhưng không đầy trăm bước là "tới đại lộ 6". Như vậy cứ từng chặng từng chặng một, chúng ta chẳng những sẽ tới đích, mà trên đường còn được hưởng nhiều cái vui nữa.